Mới đây, tờ Bangkok Post dẫn lời Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết Thủ tướng nước này Prayut Chan-o-cha rất hài lòng về sự phục hồi của ngành du lịch và cảm ơn các cơ quan hữu quan đã nỗ lực tổ chức các chiến dịch thu hút du khách nước ngoài.
NHỮNG MỤC TIÊU TÁO BẠO CHO NĂM 2023
Ông Anucha Burapachaisri cho biết, năm 2022, ngành du lịch nước này đã có bước phục hồi ngoạn mục khi thu hút lượng du khách quốc tế lên tới 11,15 triệu lượt người, một con số ấn tượng nếu so với chỉ hơn 400.000 lượt người của năm 2021, khi đại dịch Covid-19 đang càn quét thế giới.
Trong năm 2023, Thái Lan dự kiến sẽ thu hút 25 triệu lượt khách quốc tế. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan còn đang nhắm tới mục tiêu đón 80 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2027 – trong khi dân số Thái Lan hiện mới là 70 triệu người.
Để đạt được mục tiêu, Chính phủ Thái Lan tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, không ngừng mở rộng và nâng cấp các sân bay cũng như khả năng kết nối của chúng với các thành phố khác, giúp quốc gia này trở thành một trung tâm vận tải hàng không của khu vực. Mới đây, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt ngân sách 3,95 tỷ baht (120,72 triệu USD) để thúc đẩy du lịch nội địa và du lịch quốc tế tại các thành phố cấp hai.
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đồng thời đang thúc đẩy chiến lược "Trung Quốc đã trở lại" để thu hút khách du lịch Trung Quốc bằng cách hợp tác với khu vực tư nhân để tổ chức chiến dịch "Hai vùng đất, một trái tim". Đơn vị này cho biết các công cụ kỹ thuật số, nền tảng toàn cầu và hoạt động tiếp thị người nổi tiếng đã được sử dụng để thu hút khách du lịch như một phần của chiến dịch, đồng thời nỗ lực nối lại và tăng các chuyến bay để đáp ứng nhu cầu du lịch của người Trung Quốc.
TAT cũng đã làm việc với các đối tác để bán các gói tour du lịch cho các hành trình trên tuyến đường R3A kết nối Côn Minh (Trung Quốc) qua Luang Namtha và Bo Kaeo ở Lào đến tỉnh Chiang Rai ở Thái Lan, hay tuyến Trung Quốc - Lào đến tỉnh Chiang Rai ở Thái Lan. Ông Yuthasak cho biết từ ngày 1/1 đến ngày 2/2, tổng cộng 99.429 du khách Trung Quốc đã đến Thái Lan, gửi tín hiệu tích cực về sự phục hồi kinh tế.
Hiện Thái Lan đã áp dụng chế độ miễn thị thực cho 57 quốc gia. Ngoài ra, công dân của 21 quốc gia khác có thể xin cấp thị thực tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, người sở hữu hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ cấp bởi 61 quốc gia, vùng lãnh thổ còn được phép lưu trú 90 ngày ở Thái Lan mà không cần thị thực. Chế độ thị thực cởi mở và tương đối dễ dàng được cho là một yếu tố quan trọng giúp quốc gia Đông Nam Á này trở thành điểm đến của đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới.
THIẾU HỤT NHÂN SỰ TRẦM TRỌNG
Dĩ nhiên, tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh chóng cũng đặt ra một số thách thức đối với Thái Lan, cản trở đất nước này phát triển một ngành du lịch bền vững. Một trong số đó là tình trạng quá tải ở nơi công cộng. Đơn cử như Phuket đón trung bình từ 650.000 đến 750.000 lượt khách du lịch mỗi tháng, trong khi dân số địa phương chỉ khoảng 550.000 người. Tình trạng quá tải dẫn đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường và lo ngại về an toàn giao thông, nạn kẹt xe nghiêm trọng...
Thái Lan cũng đang cần một số lượng lớn nhân sự trong ngành này bởi chỉ trong chưa đầy nửa tháng đầu năm 2023, Thái Lan đã đón hơn 800 nghìn lượt khách nước ngoài. Trước đại dịch, Thái Lan có tới 7,7 triệu lao động làm việc trong ngành du lịch.
Theo một nghiên cứu của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia Thái Lan, sự sụt giảm mạnh trong ngành du lịch thời kỳ dịch bệnh đã ảnh hưởng đến khoảng 3,9 triệu lao động trong ngành.
Khoảng 60% số người nghỉ việc trở về quê làm nông nghiệp, 20% tìm kiếm công việc mới trong các ngành khác trong khi 20% còn lại bắt đầu kinh doanh riêng. "Nhiều người tìm được công việc mới với thu nhập cao hơn. Những người bắt đầu kinh doanh riêng cũng cảm thấy an toàn hơn nhiều sau khi tự kinh doanh và rất có thể sẽ không quay lại công việc liên quan đến du lịch", ông Vacharee Prashyanusorn, người phụ trách tỉnh Nakhonratchasima trong Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) , nói.
Chủ tịch TCT Chamnan Srisawat nhận định: “Nếu thiếu hụt nhân sự kéo dài, chúng tôi sẽ không đáp ứng được nhu cầu của 25 - 30 triệu du khách quốc tế. Điều này đồng nghĩa chúng ta sẽ không đạt mục tiêu doanh thu từ du lịch". Nhưng ngay cả khi ngành tìm được đủ nhân sự, lợi nhuận có thể nhỏ hơn dự kiến do chi phí tăng.
Xét tình hình thực tế, các chủ khách sạn đang gặp khó khăn nhiều nhất vì họ cần nhanh chóng tuyển dụng nhân viên. Họ cần đáp ứng nhu cầu dự kiến từ hàng triệu du khách Trung Quốc sau khi Bắc Kinh mở cửa trở lại gần đây. "Các chuỗi khách sạn lớn đang bổ sung lực lượng lao động bằng cách đưa ra mức lương cao hơn, nhưng các khách sạn vừa và nhỏ vẫn gặp vấn đề về thanh khoản, khiến họ khó thu hút nhân viên mới", ông Chamnan nói.
Dữ liệu từ Bộ Lao động Thái Lan cho biết thị trấn ven biển Phuket - một điểm đến quen thuộc của nhiều du khách - đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lao động trầm trọng nhất. Ngành du lịch ở đó cần tuyển tới hơn 17.000 vị trí, trong khi thành phố phía bắc Chiangmai thiếu khoảng 9.000 lao động. Tỉnh Chonburi, nằm ở phía nam thủ đô Bangkok, vẫn đang cố gắng lấp đầy khoảng 3.000 vị trí.
Krisda Tansakul, cố vấn của Hiệp hội Khách sạn Thái Lan, cho biết: "Tình hình trở nên khó khăn hơn khi ngày càng có nhiều khách du lịch đến và chúng tôi không có lực lượng lao động đủ lớn để phục vụ họ. Chúng tôi rất cần thêm nhân công, từ nhân viên phục vụ bàn, nhân viên thu ngân cho đến quản lý khách sạn".
Để tận dụng đà phục hồi của du lịch Thái Lan, ông Chamnan cho biết TCT đang làm việc với các tổ chức giáo dục trên toàn quốc để tìm kiếm những người lao động sẵn sàng gia nhập ngành du lịch. TCT cũng đang thu hút thực tập sinh từ các trường đào tạo về quản trị du lịch và khách sạn. "Đó là một biện pháp đôi bên cùng có lợi vì các học viên sẽ được trải nghiệm công việc mà họ đang học, trong khi các nhà khai thác dịch vụ có thể có được lực lượng lao động vào đúng thời điểm", ông Chamnan nói.