Hãng tin Reuters dẫn tin từ nhà chức trách Thái Lan cho biết nước này sẽ miễn cách ly bắt buộc cho khách nước ngoài đã tiêm vaccine Covid-19 tại Bangkok và 9 khu vực khác từ ngày 1/11 trong bối cảnh quốc gia Đông nam Á đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và phục hồi ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Các khu vực trên là những điểm du lịch nổi tiếng gồm Chiang Mai, Phangnga, Krabi, Hua Hin, Pattaya và Cha-am, cùng với Phuket và Samui – hai hòn đảo đã được thí điểm mở cửa theo cơ chế Sandbox từ tháng 7.
Ngoài ra, từ ngày 1/10, Thái Lan giảm thời gian cách ly xuống trên toàn quốc xuống còn 7 ngày với khách quốc tế đã tiêm vaccine và còn 10 ngày với người chưa tiêm vaccine. Nước này cũng sẽ nới lỏng các biện phạm hạn chế tại 29 tỉnh thuộc “vùng đỏ” – hiện đang phải áp dụng hạn chế ở mức cao nhất, cho phép khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp và hoạt động kinh tế như spa, thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm thể thao trong nhà, tiệm làm móng.
Thái Lan dự kiến triển khai “bong bóng du lịch” với các nước láng giềng từ năm 2022.
Thái Lan đang mong mỏi đón du khách quốc tế trở lại sau gần 18 tháng áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập cảnh nghiêm ngặt khiến ngành du lịch nước này đứng trên bờ vực sụp đổ. Tỷ lệ tiêm chủng tại Thái Lan đang bắt đầu tăng lên sau thời gian đầu bị thiếu nguồn cung. Đến nay, khoảng 30% dân số Thái Lan đã được tiêm vaccine.
Ủy ban đặc biệt phòng chống Covid-19 của Thái Lan cũng đã thông qua kế hoạch mua tổng cộng 3,35 triệu liều vaccine Covid-19 dù chưa cung cấp thời gian nhận hàng cụ thể. Theo người phát ngôn chính phủ Thái Lan, nước nay dự kiến mua 2,79 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech; 165.000 liều vaccine AstraZeneca từ Tây Ban Nha và 400.000 liều AstraZeneca từ Hungary. Kế hoạch này đang chờ được chính phủ phê duyệt.
Thái Lan dự kiến bắt đầu tiêm mũi tăng cường vào tháng 10, chủ yếu cho những người đã tiêm 2 mũi vaccine Sinovac trong khoảng thời gian từ tháng 3-5.
Nỗ lực mở cửa ngành du lịch là một phần trong chiến lược “sống chung với Covid” mà Chính phủ Thái Lan đưa ra mới đây, dù nước này còn chưa thoát khỏi đợt bùng dịch tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch.
Theo số liệu từ Our World in Data, trong 7 ngày gần nhất, Thái Lan mỗi ngày có bình quân 12.166 ca nhiễm và 129 ca tử vong do Covid-19. Ở giai đoạn đỉnh dịch hồi cuối tháng 8, nước này mỗi ngày có hơn 21.000 ca nhiễm và hơn 260 ca tử vong.
Mục tiêu của Thái Lan khi “sống chung với Covid” là hạn chế số ca nhiễm sao cho không vượt quá năng lực tải của hệ thống y tế.
Tương tự Thái Lan, một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á từ Singapore tới Indonesia và Philippines cũng đang điều chỉnh chính sách để phù hợp bản chất bệnh thường xuyên (endemic) của virus Sars-CoV2, nhằm bảo vệ sinh kế của người dân vào vệ nền kinh tế khỏi nguy cơ suy thoái kéo dài.
Với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha, việc phục hồi ngành du lịch là một ưu tiên chủ chốt bởi ngành này chiếm hơn 21% GDP của Thái Lan vào 2019, năm trước khi xảy ra đại dịch.
Trước đó, với chương trình thí điểm Sandbox đầu tiên tại Phuket vào tháng 7, đã có hơn 26.000 du khách nước ngoài đã tiêm đủ vaccine tới hòn đảo này trong hai tháng đầu tiên, mang về 1,6 tỷ Baht, tương đương 49 triệu USD, doanh thu. Chưa đầy 1% du khách tới Phuket cho kết quả dương tính với Covid, cho dù số ca nhiễm mới ở đảo này tăng lên.