Theo Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM, đơn vị tư vấn đồ án “Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và Nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM”, công tác điều chỉnh quy hoạch lần này nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của thành phố, phát triển đa cực, linh động, thích ứng với điều kiện chung; ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng....
Phạm vi nghiên cứu trực tiếp là toàn bộ diện tích thuộc ranh giới hành chính TP.HCM 209.555ha và khu đô thị biển Cần Giờ 2.870ha (bao gồm 21 quận, huyện và 01 thành phố).
Phạm vi nghiên cứu gián tiếp là đặt thành phố trong bối cảnh vùng TP.HCM, quốc gia và quốc tế.
Theo Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 2076, ngày 22/12/2017), phạm vi vùng TP.HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 07 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404 km2.
Chú trọng nghiên cứu trong tương quan với các đô thị trong khu vực Asean, như: Singapore, Kuala Lumpur, Bangkok, Jakarta, Manila… và hướng kết nối với quốc tế thông qua các tuyến hàng không, hàng hải phát huy tối đa tiềm lực của TP.HCM trong bối cảnh tương lai…
Đối với nhiệm vụ quy hoạch chung TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM, theo đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, TP.Thủ Đức là đô thị loại I trực thuộc TP.HCM, là trung tâm hạt nhân phát triển các hoạt động kinh tế tri thức, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, trung tâm tài chính, dịch vụ thương mại, cung ứng các hoạt động kinh tế liên kết và hợp tác phát triển trong phạm vi vùng và cả nước.
Phạm vi nghiên cứu trực tiếp gồm toàn bộ địa giới hành chính TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM với tổng diện tích khoảng 21.156,9ha. Phạm vi nghiên cứu gián tiếp là các quận huyện thuộc TP.HCM và 02 tỉnh giáp ranh là tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương…
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch hội đồng thẩm định, đề nghị UBND TP.HCM và đơn vị tư vấn rà soát, cập nhật bổ sung đầy đủ căn cứ pháp lý, các cơ sở cho việc điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM; Rà soát, phạm vi ranh giới quy hoạch cho phù hợp, thống nhất với các quy hoạch khác, đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên; Phân tích đánh giá rõ thêm đặc điểm phát triển đô thị của thành phố, các dự án đang triển khai, các vấn đề bất cập của quy hoạch trước đây.
Đồng thời, làm rõ tính chất đô thị của TP.HCM để phù hợp với vị trí, vai trò của TP.HCM đã được xác định trong nghị quyết của Bộ Chính trị và các định hướng phát triển của Vùng TP.HCM, các định hướng phát triển của TP.HCM; Bổ sung các yêu cầu về phân tích động lực phát triển, mô hình phát triển đô thị trong tương lai, định hướng phát triển không gian, xác định rõ các trung tâm, quan tâm đến không gian ngầm; Phân tích mối quan hệ không gian giữa TP.HCM và TP. Thủ Đức, giữa TP.HCM với Vùng TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với nhiệm vụ Quy hoạch chung TP.Thủ Đức, trong nhiệm vụ cần nêu rõ lý do, sự cần thiết lập quy hoạch (các căn cứ pháp lý); đánh giá hiện trạng để nêu bật lợi thế và thách thức đối với TP. Thủ Đức để trở thành một cực tăng trưởng phía Đông của TP.HCM, tính kết nối giữa Thủ Đức và TP.HCM và các đô thị xung quanh; yêu cầu bổ sung tài liệu, số liệu, các tiêu chí cần hoàn thiện để đáp ứng tiêu chí của đô thị loại I; rà soát tình hình phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, các dự án đang triển khai; xác định động lực phát triển và các định hướng phát triển không gian, kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, các tác động của điều kiện tự nhiên; các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu...