Kinh tế tháng 8/2021 đảo chiều khi hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô rơi vào trạng thái âm. Vì thế, không ngạc nhiên khi số lượng doanh nghiệp “đứt gãy” vì Covid-19 gia tăng.
DOANH NGHIỆP TÊ LIỆT
Công ty Cổ phần Tấm ốp nhôm nhựa Việt Dũng cho biết: dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đã khiến cho hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là bối cảnh hiện nay khi nhiều tỉnh, thành đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội.
“Sau năm 2020 gặp khó khăn vì dịch bệnh, doanh nghiệp buộc phải mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều tỉnh, thành đang phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội khiến việc tiêu thụ sản phẩm bị đình trệ trong khi dây chuyền sản xuất hoạt động cầm chừng”, đại diện Công ty nhôm Việt Dũng chia sẻ.
Việc buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, không chỉ gây ra khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, mà ngay cả những đại lý phân phối sản phẩm vật liệu xây dựng cũng bị ảnh hưởng nguồn thu.
Tương tự như doanh nghiệp vật liệu xây dựng, hoạt động của các doanh nghiệp ngành thuỷ sản cũng gần như “tê liệt” phải tạm ngưng sản xuất khi thuỷ sản tiêu thụ nội địa giảm mạnh do chợ đóng cửa, quán ăn ngưng hoạt động.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn trong phòng chống dịch Covid-19, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho biết VASEP có 270 doanh nghiệp thành viên, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Nam Trung bộ. Nhưng chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, tức có khoảng 70% doanh nghiệp ngành thuỷ sản buộc phải tạm dừng sản xuất.
“Với những doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”, ông suất hoạt động trung bình cũng chỉ đạt 40-50%. Họ cũng chỉ có khả năng duy trì 2-3 tuần, hoặc nhiều hơn là 4-5 tuần với những doanh nghiệp lớn”, ông Hòe nhấn mạnh.
Vì vậy, không khó để nhận thấy bức tranh doanh nghiệp tháng 8/2021 cũng như 8 tháng đầu năm đã “nhuốm màu” Covid. Lần đầu tiên, trong nhiều năm trở lại đây, số doanh nghiệp sinh ra còn thấp hơn cả số doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Trong 8 tháng, chỉ có 81.600 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới trong khi số doanh nghiệp “đứt gãy”, rời bỏ thị trường lên tới 85.500 doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, có tới 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vì không thể chống đỡ được với Covid-19.
Nếu nhìn vào loạt chỉ số vĩ mô đảo chiều trong tháng 8/2021, bức tranh doanh nghiệp thậm chí còn tồi tệ hơn. Đó là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng ngành chế biến - chế tạo, vốn là động lực tăng trưởng cho khu vực này, giảm tới 9,2% trong tháng này. Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP tăng 5,6% so với 8 tháng năm 2020. Mặc dù con số này cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.
Năm ngoái, ở cùng thời điểm này, tổng mức bán lẻ chỉ giảm 5,8%. Năm nay, lại giảm tiếp 6,2% trên nền đã giảm đó, cho thấy sức mua của nền kinh tế đã sụt giảm mạnh và sẽ ảnh hưởng đến động lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong báo cáo về khó khăn doanh nghiệp mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra tới 8 khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, trong đó có khó khăn do tổng cầu sụt giảm mạnh, khiến số lượng đơn hàng, hợp đồng, sản lượng sụt giảm; doanh thu giảm mạnh trên diện rộng; chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu bị gián đoạn; khó khăn về dòng tiền…
VƯƠN LÊN TRONG ĐẠI DỊCH
Ở một góc nhìn khác, ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc phụ trách Deloitte Private Việt Nam, cho rằng mặc dù số doanh nghiệp rời bỏ thị trường cao hơn nhưng vẫn có tới 81.600 doanh nghiệp được thành lập mới trong 8 tháng. Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn nhìn thấy cơ hội trong bối cảnh Covid.
“Vấn đề là những doanh nghiệp còn lại, họ đứng ở đâu trên thị trường và có khả năng phục hồi như thế nào giai đoạn tới?”, ông Minh đặt câu hỏi.
Do đó, đại diện Deloitte cho rằng các doanh nghiệp cần phải tập trung vào ba hành động cụ thể.
Thứ nhất, đánh giá khả năng phục hồi của doanh nghiệp mình trong và sau khủng hoảng.
Thứ hai, đánh giá loạt câu hỏi về tác động của sự gián đoạn trên thị trường đến mô hình kinh doanh của doanh nghiệp và trong bối cảnh ấy, công nghệ đóng vai trò gì trong nỗ lực nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp?
Cuối cùng, thống nhất ưu tiên yếu tố phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp mình và tập trung vào hành động để vượt qua đại dịch một cách nhanh chóng và bền vững.
Ở góc độ vĩ mô, theo các chuyên gia kinh tế, cần sớm giải quyết vấn đề đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Hiện tại, việc nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách, thậm chí áp dụng quá mức các biện pháp kiểm soát lưu thông hàng hóa đang “làm khó” cho sản xuất - kinh doanh.
Việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 điểm đến” một cách cứng nhắc đang gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian ăn ở, do điều kiện vật chất đáp ứng “ăn” và “nghỉ” không được thiết kế từ đầu.
Nhiều lao động có trình độ cao tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… bị phong tỏa chốt chặt, không thể đến nơi làm việc, gây đứt gãy nguồn lao động.
Trong khi đó, biện pháp kiểm soát lưu thông và quan niệm “hàng thiết yếu” ở các địa phương khác nhau đã gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa khiến hàng loạt chuỗi cung ứng sản xuất trọng yếu của Việt Nam như chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến chế tạo như điện, điện tử, máy móc thiết bị, chuỗi thủy sản và nông sản, chuỗi cung ứng hàng dệt may bị đứt gãy.
Mới đây, để gỡ rối vấn đề này, Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu một loạt địa phương bãi bỏ các quy định cản trở lưu thông hàng hóa. Động thái này được đánh giá là tích cực và sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh.
Ngoài ra, để vượt lên khó khăn, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, mở rộng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và những người lao động mất việc làm.
Trong khi đó, các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng đang được nỗ lực thực hiện đặc biệt kể từ sau công điện của Thủ tướng Chính phủ. Mới đây, các địa phương đã rốt ráo thực hiện các biện pháp tháo gỡ để nhanh chóng đưa vốn vào nền kinh tế. Tuy vậy, để đạt mục tiêu giải ngân 95% trong năm nay, sẽ cần một nỗ lực rất lớn. Bởi lẽ, 8 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước mới đạt gần 245.000 tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
“Hiện tại, xác định vaccine là chìa khóa quan trọng, Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh việc đàm phán mua vaccine sớm đưa về Việt Nam, thực hiện việc tiêm chủng để sớm đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Nếu kế hoạch này khả thi, sẽ hỗ trợ lớn cho việc đưa doanh nghiệp trở lại quỹ đạo tăng trưởng và phục hồi”, chuyên gia của WB nhấn mạnh.