October 09, 2010 | 14:59 GMT+7

Thảm họa bùn đỏ tại Hungary: Bài học cay đắng!

Xung quanh thảm họa sinh thái được coi là lớn nhất trong lịch sử chế biến quặng bauxite và alumin

Cư dân trở về xem ngôi nhà của mình ở làng Kolontar (nằm cách Budapest 160 km về phía tây nam) vào ngày 6/10, đã bị bùn đỏ tấn công hai ngày trước - Ảnh: AFP.
Cư dân trở về xem ngôi nhà của mình ở làng Kolontar (nằm cách Budapest 160 km về phía tây nam) vào ngày 6/10, đã bị bùn đỏ tấn công hai ngày trước - Ảnh: AFP.
Được coi là thảm họa sinh thái lớn nhất trong lịch sử chế biến quặng bauxite và alumin, sự cố tràn bùn đỏ đã cho thấy nhiều bất cập trong việc xử lý rác thải, bảo vệ môi sinh của các doanh nghiệp hàng đầu thuộc ngành công nghiệp Hungary.

Yếu tố trách nhiệm và lịch sử cũng được đề cập trên báo chí Hungary khiến vấn đề bauxite trở nên tâm điểm của sự quan tâm đa chiều trong công luận nước này.

Tai nạn trớ trêu của thiên nhiên?

Nhà chức trách Hungary đã mở một cuộc điều tra nhằm truy tìm trách nhiệm hình sự trong thảm họa này. Trong khi đó Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Rt.), cơ quan chủ quản của nhà máy sản xuất alumin nơi xảy ra tai nạn (TP Ajka), cho rằng đây là một sự cố không thể tính trước và lỗi không thuộc về họ.

Để chứng tỏ điều đó, ông Bakonyi Zoltán - Phó chủ tịch, đồng sở hữu Tập đoàn MAL Rt. - tổ chức một cuộc thuyết trình thực địa ngay tại hiện trường tai nạn cho báo giới. Coi rằng bức vách chắn của hồ chứa bùn đỏ - có độ dày 40-50 m, nơi dày nhất ở bệ vách là 65 m - là “biểu tượng của sức mạnh”, ông Bakonyi khẳng định việc bể chứa số 10 (trong tổng số mười bể chứa khổng lồ của MAL Rt.) bị vỡ là điều “đi ngược lại mọi định luật vật lý”.

Ông cũng bác bỏ dư luận của cư dân các vùng bị ảnh hưởng, theo đó, bể chứa đã bị rò rỉ từ lâu và nhắc lại một thực tế là hệ thống bể chứa đã được Bộ Môi trường Hungary kiểm tra cách đây một tháng và chừng hai giờ trước khi xảy ra tai nạn vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ có thảm họa tràn bùn đỏ.

Tái khẳng định lập luận cũ, theo đó phần lớn bùn đỏ đều lắng xuống và đọng lại trong bể chứa, chỉ chất lỏng chứa kiềm là thoát ra và thật ra mọi lo ngại quá mức đều không có cơ sở, ông Bakonyi cho biết phần vách chắn bị bể đã được sửa lại - chỉ phụ thuộc quyết định chính phủ để nhà máy chế biến alumin ở thành phố Ajka có được tiếp tục hoạt động hay không.

Tuy nhiên, báo giới Hungary đã chỉ ra rằng hiểm họa bùn đỏ - rác thải công nghiệp trong quá trình chế biến từ quặng bauxite ra alumin - đã tiềm ẩn từ nhiều năm nay.

Hungary có truyền thống khai thác và chế biến quặng bauxite từ đầu thế kỷ 20, khi đó trữ lượng bauxite tại nước này thuộc mức đáng kể trên thế giới. Sau Thế chiến thứ hai, theo một hiệp định được ký kết với Liên Xô, Hungary trở thành địa bàn khai thác bauxite và luyện alumin rất quan trọng trong khối xã hội chủ nghĩa.

Trong hai thập niên 1960 và 1970, sản lượng bauxite khai thác hằng năm tại Hungary đạt mức 2-3 triệu tấn, có lúc đứng thứ 7 trên thế giới vào lúc đó. Trên cơ sở ấy, Hungary có những kinh nghiệm và công nghệ khá phát triển trong việc sản xuất alumin từ quặng bauxite, nhưng cái giá phải đổi là lượng bùn đỏ khổng lồ (hơn 40 triệu m3) phát sinh trong mấy thập niên hiện vẫn được lưu giữ tại Hungary như một trái bom sinh thái tiềm ẩn.

Đầu thập niên 1990, khi nhu cầu về bauxite và alumin từ Hungary không còn như trước, mọi yêu cầu về bảo vệ môi sinh và con người được đặt ở một tầm cao hơn. Thay vì xóa sổ ngành công nghiệp có thể gây nguy hại trầm trọng đến môi trường này, Nhà nước Hungary đã để nó tồn tại trong quá trình tư hữu hóa mà không có những biện pháp kiểm tra thường xuyên và nghiêm túc.

Công luận Hungary đánh giá đó là một sai lầm lớn, phản ánh một tầm nhìn thiển cận của các cơ quan chức năng, khi những lợi ích ngắn hạn và yếu tố lợi nhuận được cả nhà nước và doanh nghiệp đặt lên hàng đầu một cách thiếu tính toán.

Xem nhẹ bảo vệ môi trường

Chính quyền Hungary cũng tỏ ra bất cẩn khi không chủ tâm và có hành động trong thực tế để buộc các doanh nghiệp hàng đầu phải quan tâm thật sự đến vấn đề môi trường.

Việc các hồ chứa bùn đỏ đều có khoảng cách không xa khu dân cư, thậm chí có nơi còn được đặt rất gần sông Danube, con sông dài thứ hai ở châu Âu đi qua mười quốc gia và bốn thủ đô trong khu vực Đông - Trung Âu, cho thấy cả doanh nghiệp lẫn nhà chức trách đều không tính đến khả năng thảm họa có thể xảy ra.

Trong sự cố tràn bùn vừa qua, sự tự tin trước các biện pháp kỹ thuật, nghĩ rằng các hồ chứa có độ chắc chắn và đảm bảo ở mức tuyệt đối càng khiến Tập đoàn MAL Rt. bỏ qua một thực tế là bản thân công nghệ sản xuất alumin và xử lý rác thải theo cách hiện tại đã hàm chứa những hiểm nguy không thể lường trước được.

Dư luận Hungary cho rằng sự cố bi thảm vừa qua ít nhất cũng có ý nghĩa ở chỗ nó đã hướng sự quan tâm của chính quyền và cư dân vào vấn đề môi sinh, khiến ý thức bảo vệ hệ sinh thái được củng cố hơn.

Giới chính khách Hungary đã có cách ứng xử rất phù hợp khi ngay từ phút đầu, các quan chức cao cấp nhất đều cùng nhau đến hiện trường để tìm hiểu và điều hành công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả. Cũng ngay từ đầu, chính phủ đã đứng về phía người dân, lên án sự vô trách nhiệm của doanh nghiệp và nhận vai trò tối thượng về mình, để cư dân những vùng bị ảnh hưởng có thể yên tâm rằng họ sẽ được đảm bảo cho cuộc sống sau tai họa này.

Hoàng Linh (Tuổi Trẻ)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate