May 12, 2023 | 09:34 GMT+7

Thận trọng về việc coi Covid-19 như bệnh theo mùa

Nhật Dương -

Theo các chuyên gia, mặc dù có những điểm tương đồng giữa cúm mùa với bệnh Covid-19, tuy nhiên, cần thận trọng về việc có nên coi Covid-19 là bệnh theo mùa, bởi Covid-19 vẫn là một căn bệnh còn rất mới, còn quá sớm để có thể dự đoán được cách thức hoạt động, biến đổi của Covid-19 trong tương lai…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nêu quan điểm về việc “có nên coi Covid-19 như bệnh cúm mùa?, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đồng ý rằng có những điểm tương đồng giữa cúm mùa với bệnh Covid-19, đó là cả hai bệnh này đều do tác nhân gây bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, cần thận trọng về việc có nên coi Covid-19 là bệnh theo mùa.

Tiến sĩ Angela Pratt lý giải, đầu tiên, từ tất cả các đợt bùng phát ở các quốc gia, Covid-19 không theo mùa, trong khi cúm mùa thường xuất hiện vào mùa đông. Bên cạnh đó, Covid-19 vẫn là một căn bệnh còn rất mới với chúng ta.

Trong khi các nhà khoa học trên thế giới đã có hàng thập kỷ nghiên cứu về cúm mùa, từ các dữ liệu dịch tễ học, dự đoán được cách thức hoạt động, biến đổi của virus, và virus ảnh hưởng khác nhau với nhóm dân số khác nhau như thế nào. Với Covid-19, chúng ta mới có hơn ba năm nghiên cứu về nó.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Ảnh - VGP. 
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Ảnh - VGP. 

“Như vậy, có thể nói rằng quá sớm để nói chúng ta có thể dự đoán được cách thức hoạt động, biến đổi của Covid-19 trong tương lai. Chính vì vậy, việc công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch không có nghĩa là Covid-19 đã kết thúc. Đây chỉ là một tín hiệu rằng chúng ta cần chuyển hướng sang quản lý bền vững Covid-19”, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định.

Theo GS.TS.Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, phòng chống dịch phải trên nguyên lý khoa học cũng như căn cứ trên luật pháp cả quốc tế và Việt Nam.

GS.TS.Phan Trọng Lân phân tích, đối với hoạt động phòng chống dịch nói chung, Covid-19 nói riêng đều có 4 cấu phần. Thứ nhất, dựa trên tình hình dịch tễ; thứ hai là các biện pháp phòng chống; thứ ba là thời điểm áp dụng các biện pháp và thứ tư là các nguồn lực, biện pháp phòng chống, các chính sách để đảm bảo thực hiện các biện pháp ứng phó một cách đồng bộ.

Như vậy, phải cân đối 4 yếu tố này, làm thế nào để khi tình huống liên quan đến dịch bệnh, thì áp dụng đúng thời điểm nhằm khống chế, kiểm soát nhanh chóng dịch bệnh.

Đối với Covid-19 tính chưa ổn định, khó lường, dù có giảm các biện pháp phòng chống nhưng về miễn dịch suy giảm theo thời gian, trong khi biến thể phụ thường xuyên xuất hiện, dịch xuất hiện làn sóng mới. Do đó, các biện pháp áp dụng phải trải từ hành chính xã hội cho đến biện pháp về chuyên môn, kỹ thuật. Trong phân loại, bệnh truyền nhiễm nhóm A thiên về các biện pháp hành chính xã hội và đảm bảo nguồn lực. 

“Tuy nhiên tôi nhấn mạnh dù là nhóm bệnh nào thì việc phối hợp thực hiện hài hoà, linh hoạt để khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có thể triển khai nhanh chóng, phù hợp với tình huống dịch, tránh được lãng phí mới là quan trọng”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

GS.TS.Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. 
GS.TS.Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. 

Trước một số ý kiến cho rằng nên coi Covid-19 như bệnh cúm mùa hay một bệnh truyền nhiễm nhóm B, TS.Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tỷ lệ tử vong do Covid-19 đã giảm đi rất thấp so với trước đây vào giai đoạn bùng phát mạnh năm 2021.

Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong do Covid-19 hiện nay ở mức 0,37%, vẫn cao hơn nhiều so với những bệnh truyền nhiễm khác, như sốt xuất huyết tỉ lệ tử vong ở Việt Nam khoảng 0,09%. Vì vậy, ông Khoa cho rằng, không thể chủ quan và vẫn luôn phải sẵn sàng ứng phó, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như có các kế hoạch, phương án để linh hoạt, chuyển đổi đáp ứng điều trị khi cần thiết.

Trong trường hợp các ca bệnh nhập viện tăng lên, gây quá tải bệnh viện hoặc xuất hiện các biến chủng nguy hiểm gây bệnh nặng thì cũng phải chuẩn bị để quay trở lại giải pháp thành lập các cơ sở điều trị Covid-19 như trước đây trong giai đoạn bùng phát dịch. Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chuẩn bị kế hoạch, phương án sẵn sàng quay trở lại với tình huống  dịch bệnh bùng phát.

PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng nhìn nhận, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới,  hiện nay, mặc dù dịch Covid-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, tuy nhiên đại dịch chưa kết thúc.

Vì vậy, Việt Nam vẫn cần duy trì các biện pháp phòng chống dịch trong đó có việc tiêm vaccine phòng Covid-19, tiêm nhắc cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao. Căn cứ số đối tượng cần tiêm chủng và lịch tiêm tiêm nhắc, các địa phương sẽ tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 theo đợt hoặc định kỳ, tiến tới đưa vào tiêm chủng thường xuyên để đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng. Đồng thời tiết kiệm nguồn lực mà vẫn đạt được độ bao phủ vaccine cho nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Theo khuyến cáo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới, các nhóm cần ưu tiên tiêm nhắc vaccine phòng Covid-19 gồm: Người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh Covid-19 nghiêm trọng, những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần được tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc lại, các mũi tiêm nhắc sau liều cuối cùng từ 6 đến 12 tháng.

“Việt Nam sẽ cập nhật theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, và thông qua Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine, tiếp theo Bộ Y tế sẽ đưa ra hướng dẫn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 phù hợp cho nhóm đối tượng nguy cơ cao trong thời gian tới”, PGS.TS. Dương Thị Hồng thông tin.

 

Trong tình hình dịch Covid-19 có xu hướng gia tăng số mắc những ngày gần đây, Bộ Y tế khuyến cáo cần tiêm vaccine phòng Covid-19 đủ liều cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn hiện tại với nhóm: người từ 18 tuổi trở lên cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại, trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm đủ liều cơ bản.

Đặc biệt, những người nguy cơ cao mắc Covid- 19 như người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ mũi 3, mũi 4 theo lịch và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate