Bộ Công Thương vừa công bố, lấy ý kiến dự thảo lần thứ ba quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, giá bán điện được đưa ra theo các cấp điện áp.
Giá điện cho sản xuất tùy thời điểm sử dụng sẽ tăng từ 2 - 7%; giá bán lẻ điện cho kinh doanh được đề xuất giảm 5% trong giờ bình thường, giảm 3% vào giờ thấp điểm và 8% vào giờ cao điểm cho các cấp điện áp so với biểu giá bán lẻ điện hiện hành.
Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương đề xuất giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 6 bậc thang (hiện đang có 7 bậc thang) và tăng dần theo thứ tự bậc thang. Cụ thể, từ 0-50 kWh có mức giá không lớn hơn 80% mức giá bán lẻ điện bình quân và từ 0-100 kWh có mức giá không lớn hơn mức giá bán lẻ điện bình quân. Nếu sử dụng từ 101 kWh đến 200 kWh, mức điều chỉnh giá là 108% giá điện bình quân.
Hiện nay, khoảng này được chia thành hai nấc, từ 101 kWh đến 150 kWh, mức giá bán bằng 106% giá điện bình quân, từ 151 kWh đến 200 kWh, mức điều chỉnh lên đến 134% giá điện bình quân.
Khi khách hàng sử dụng từ 201-300 kWh, mức tính sẽ chỉ bằng 138% giá điện bình quân, giảm với so tỷ lệ 145% đang áp dụng và mức giá cho kWh thứ 301 - 400 sẽ là 154% giá điện bình quân, giảm nhẹ so với 155% hiện nay. Từ kWh 401 trở lên, tỷ lệ điều chỉnh là 165% giá điện bình quân, tăng 6% so với tỷ lệ 159% hiện nay.
Dự thảo quy định rõ, bậc thang đầu tiên trong biểu giá điện sinh hoạt từ 0-50 kWh áp dụng cho các hộ thu nhập thấp phải đăng ký mua điện theo hướng dẫn của bên bán điện. Tuy nhiên trong 3 tháng liên tiếp, nếu tổng lượng điện sử dụng của hộ đã đăng ký vượt quá 150 kWh thì tự động chuyển sang bậc thang thứ 2 và các bậc tiếp theo.
Các hộ sử dụng điện sinh hoạt khác áp dụng biểu giá từ bậc thang thứ 2 và các bậc tiếp theo. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt 30.000 đồng/hộ/tháng.
Bộ Công Thương cho biết, sẽ áp dụng giá điện thống nhất toàn quốc cho các nhóm khách hàng sử dụng điện tại những khu vực nối lưới điện quốc gia và tại nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia.
Điểm mới trong dự thảo lần này là Bộ Công Thương đề xuất áp giá điện riêng cho ngành sản xuất sắt thép, xi măng nhằm chấm dứt tình trạng bù chéo điện sinh hoạt cho điện sản xuất.
Tính trên giá điện bình quân hiện nay, giá điện cho sản xuất sẽ tăng thêm 2 - 7%, tùy mức điện áp và thời điểm sử dụng. Riêng giá điện cho sản xuất sắt thép, xi măng dự kiến sẽ cao hơn từ 2 - 16%. Cụ thể, giá điện cho hai ngành này vào giờ bình thường và thấp điểm sẽ thấp hơn giá điện bình quân, nhưng vào giờ cao điểm được tính bằng 160 - 187% giá điện bình quân, tùy theo cấp điện áp.
Bộ Công Thương cho biết, việc tách riêng giá điện cho sản xuất sắt thép, xi măng là do hiện nay các hộ kinh doanh đang trả giá rất cao so với ngành sản xuất.
Một số ý kiến từ ngành thép cho rằng, hiện thép đang tồn kho nhiều, chi
phí đầu vào tăng cao buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán thép nhưng điều
này là bất khả thi. Nếu phải chịu thêm giá điện cao thì không khác nào
"đẩy" ngành này xuống vực. Đáng lo hơn, sẽ tạo cơ hội cho thép ngoại, đặc
biệt là thép giá rẻ ồ ạt tràn vào.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, tăng giá điện đối với ngành thép và xi măng là cần thiết để thúc đẩy các ngành này đổi mới và sử dụng công nghệ tiên tiến tiết kiệm điện năng, giảm bớt tình trạng nhà nước bù lỗ giá điện, còn doanh nghiệp tiêu dùng lãng phí. Tuy nhiên đối với các ngành sản xuất khác, việc tăng giá điện sẽ lại càng khiến cho doanh nghiệp khó khăn hơn. Do đó, cần xem xét áp dụng ở thời điểm nào là hợp lý.
Mặt khác, việc cơ cấu lại biểu giá điện hay điều chỉnh giá điện cũng phải công khai, minh bạch giá thành, giá bán. Đặc biệt, ngành điện cũng cần nỗ lực hơn trong việc giảm tổn thất điện năng. Hiện tổn thất điện năng ở Việt Nam lên tới gần 10%. Nếu không giảm tổn thất điện năng và giảm chi phí quản lý thì tăng giá bán điện cũng không có nhiều ý nghĩa, không giúp được nhiều cho nền kinh tế.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate