November 01, 2021 | 11:02 GMT+7

Tháng 10 khối ngoại bán ròng hơn 5.000 tỷ, giảm gần một nửa so với tháng 9

Thu Minh -

Tháng 10, khối ngoại bán ròng 5.325 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số bán ròng của tháng 9 là hơn 9.000 tỷ đồng...

Xu hướng mua/bán của khối ngoại qua từng năm.
Xu hướng mua/bán của khối ngoại qua từng năm.

Áp lực bán ròng của khối ngoại đã giảm đáng kể trong những phiên cuối cùng của tháng 10 khi nhóm này quay đầu mua ròng cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam. Thống kê từ HOSE cho thấy, tháng 10, khối ngoại bán ròng 5.325 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số bán ròng của tháng 9 là hơn 9.000 tỷ đồng.

Top 10 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trong tháng 10 gồm HPG bị bán 2.359 tỷ; NLG bị bán 1.297 tỷ; PAN bị bán 939 tỷ; SSI bị bán 723 tỷ; NVL bị bán 623 tỷ; tiếp theo là VIC, KBC, VJC, SBT; VCB. Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng nhiều nhất TPB; FMC; GAS; DHC; VHC; STB; DCM.

Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2021, khối ngoại bán ròng 46.402 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam. Cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất vẫn là HPG với giá trị 16.000 tỷ đồng; tiếp theo là CTG 6.991 tỷ đồng; VNM với 6.321 tỷ đồng; VIC 6.104 tỷ đồng; VPB bị bán 5.988 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua nhiều nhất STB, VHM, MWG; FUEVFVND.

Đồ hoạ: K.Linh.
Đồ hoạ: K.Linh.

Áp lực bán ròng từ dòng vốn ngoại không có tác động nhiều đến xu hướng chung, khi mà tỷ trọng giao dịch chỉ còn chiếm khoảng 6-7% tổng thanh khoản toàn thị trường. Thực tế, ghi nhận trên HOSE cho thấy, tỷ trọng này chỉ chiếm còn 4-5%. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò là lực đẩy chính giúp thị trường tăng trưởng lên với tỷ trọng chiếm tới 84%. Tuy nhiên, động thái mua bán của khối ngoại vẫn được xem là chỉ báo thông minh trước mỗi quyết định mua bán của nhà đầu tư trong nước. 

Nếu như khối ngoại bán ròng mạnh trong tháng 8, và tháng 9 vì mối lo ngại về khả năng kiểm soát Covid-19 của Việt Nam khi số ca nhiễm bệnh và tử vong cao trong thời gian đó, thì việc Chính phủ nới lỏng các chỉ thị nghiêm ngặt trong thời gian gần đây, cùng với số ca nhiễm giảm gần như một nửa mỗi ngày, tỷ lệ tử vong thấp hơn, tỷ lệ bao phủ vaccine lên đến hơn 70 triệu mũi cũng là tín hiệu lạc quan cho dòng vốn ngoại quay lại trong thời gian tới. Thực tế trước đó, trong tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã tỏ ra khá lạc quan với khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và mua ròng mạnh cổ phiếu.

Đánh giá về dòng vốn của khối ngoại trong thời gian tới, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu khách hàng tư nhân của Chứng khoán MBS kỳ vọng dòng vốn từ khối ngoại sẽ sớm trở lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ việc nền kinh tế Việt Nam dần mở cửa trở lại sau đợt sóng dịch bệnh lần thứ 4 cùng với triển vọng có thể nâng hạng thị trường vào năm 2022.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate