Sau nhịp hồi phục nhẹ cuối tháng 3, P/E toàn thị trường đã tăng nhẹ 11,5x lên 11,9x, dựa trên kết quả kinh doanh của năm 2022. Với triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng nhẹ so với Q4/2022, dự kiến P/E thời điểm Q1/2023 sẽ giảm đi, khiến mức định giá trở nên hấp dẫn hơn, theo đánh giá của Chứng khoán ABS.
Dòng vốn ETF ngoại nhiều khả năng tiếp tục gia tăng giải ngân tại thị trường Việt Nam trong tháng 4. Quỹ Fubon ETF đã huy động trong tháng 3 là 3.800 tỷ đồng và giải ngân gần 40% con số này, dự kiến sẽ còn gần 2.300 tỷ để giải ngân trong thời gian tới. Nhiều quỹ ETF mới đã và đang được cấp phép trong tháng 4.
Kinh tế thế giới phục hồi chậm, xác suất nguy cơ suy thoái ngày càng cao sau khi hàng loạt ngân hàng tại Mỹ và trên thế giới rơi vào cảnh khó khăn. Sự phục hồi của thị trường Trung Quốc đến nay vẫn chưa có nhiều đột biến. Các NHTW lớn chưa cho thấy dấu hiệu rõ ràng sẽ sớm đảo chiều chỉnh sách tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ.
Về tổng cầu, nhìn chung triển vọng xuất khẩu trong các quý tới có thể tiếp tục khó khăn, việc giải ngân đầu tư công vẫn chậm, tiêu dùng trong nước phục hồi yếu hơn kỳ vọng, vốn đầu tư FDI vẫn đang trong xu hướng giảm.
Tuy nhiên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong nước đã và đang giảm nhiệt, giúp giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong bối cảnh tình hình kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhiều biện pháp của chính phủ giúp gỡ khó cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vốn... kỳ vọng gỡ nút thắt pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc nợ, tiếp cận nguồn tín dụng mới.
Về yếu tố kỹ thuật, VN-Index có quý I (nến 3M) tăng điểm từ 1.011 điểm tới 1.064,6 điểm (+5,71%) với khối lượng giao dịch khá cao, đạt 29,97 tỷ cổ phiếu, mặc dù có kỳ nghỉ lễ tết. Điều này tạo điều kiện cho diễn biến tâm lý tốt cho thị trường trong tháng 4. Nhờ đó, giá mở cửa quý II tạo gap đi lên.
Trên biểu đồ ngày, sau nhịp hồi phục từ 874 điểm giữa tháng 11/2022 lên 1.124 điểm cuối tháng 1/2023, VN-Index đã điều chỉnh trong 5 tuần từ 1.124 điểm xuống 1.014 điểm với các nhóm ngành chính nâng đỡ chỉ số như Ngân hàng (BID, VCB, STB), Đầu tư công, Dầu khí.
Tại ngày 01/03/2023, VN-Index đã tạo đáy ngắn hạn thứ hai, đáy này cao hơn đáy trước, xác nhận thị trường hồi phục trong ngắn hạn (trong tổng thể pha hồi trung hạn) với biên độ 120-140 điểm. Hiện tại, kháng cự ngắn hạn ở mốc 1.124 điểm, hỗ trợ ngắn hạn trong vùng 1.020 – 1.000 điểm.
ABS dự báo VN-Index tiếp tục nhịp hồi phục theo kênh song song trên đồ thị đến cuối tháng 4/2023. Kỳ vọng điểm số sẽ đạt vùng 1140- 1.160 điểm thời điểm cuối tháng 4 – đầu tháng 5. Đây là khoảng thời gian an toàn cho nhịp đầu tư ngắn hạn.
Thanh khoản thị trường tháng 4 sẽ được cải thiện hơn so với tháng 3 từ 10-20% nhờ động lực dòng tiền đến từ các quỹ ETF ngoại (rõ ràng nhất là quỹ Fubon ETF) dẫn dắt nhà đầu tư trong nước. Dẫn chứng là trong những phiên cuối của tháng 3, thanh khoản đã cải thiện gần 30% so với vùng đáy của tháng. Thêm vào đó, các mã cổ phiếu mà quỹ ETF tập trung giải ngân thường có vốn hoá lớn nên được kỳ vọng có ảnh hưởng tích cực và dẫn dắt thị trường.
Nhà đầu tư nên mua cổ phiếu trong những phiên điều chỉnh hoặc các nhịp rung lắc. Tỷ trọng cổ phiếu nên ở mức 60%-80% tổng tài sản do đây chỉ là nhịp hồi phục.
Về triển vọng nhóm ngành, ABS đánh giá các ngành ngân hàng, dầu khí, điện, xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp, hàng không, vận tải dầu, vật liệu xây dựng ngoài sắt thép, lương thực, công nghệ thông tin, dược... sẽ có kết quả kinh doanh Q1 tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.
Ngược lại, các ngành bất động sản, sắt thép, bán lẻ, các ngành xuất khẩu chính của Việt Nam (dệt may, thủy sản...), phân bón, hóa chất... sẽ có kết quả kinh doanh Q1 kém khả quan.