Ngày 29/5, trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thống kê cho biết nhờ vào chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong tháng 5/2024, số lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 1,4 triệu lượt, giảm 10% so với tháng 4 nhưng tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam sau 5 tháng với trên 1,9 triệu lượt (chiếm 25,7%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,6 triệu lượt (chiếm 21,2%). Đáng chú ý, lượng khách Trung Quốc tính riêng trong tháng 5/2024 đạt 357 nghìn lượt, đã cao hơn cả khách Hàn Quốc (351 nghìn lượt).
Ở vị trí thứ 3 là Đài Loan (529 nghìn lượt), Mỹ ở vị trí thứ 4 (350 nghìn lượt), Nhật Bản ở vị trí thứ 5 (289 nghìn lượt). Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Malaysia (214 nghìn lượt), Úc (213 nghìn lượt), Thái Lan (198 nghìn lượt), Campuchia (197 nghìn lượt), Ấn Độ (196 nghìn lượt).
Về động lực tăng trưởng, thị trường châu Á có mức tăng trưởng rất tốt (73%) trong đó động lực chính từ khu vực Đông Bắc Á: Trung Quốc (+302,3%), Hàn Quốc (+48,1%), Nhật Bản (+41,7%), Đài Loan (+110,1%). Bên cạnh đó, các thị trường Đông Nam Á tăng trưởng tốt, như Indonesia (+117,8%), Philippines (+54,1%), Campuchia (+17,7%). Chỉ có thị trường Thái Lan giảm 16,4%. Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 39,2%; Úc tăng 35,4%.
Các thị trường châu Âu tiếp tục tăng trưởng tốt (+57,1%) nhờ vào hiệu quả từ chính sách thị thực và xuất nhập cảnh thông thoáng được áp dụng từ ngày 15/8/2023. Hầu hết các thị trường đều rất khả quan, trong đó có các thị trường chính như Anh (+31,6%), Pháp (+39,5%), Đức (+34,6%). Bên cạnh đó là Italia (+72,8%), Tây Ban Nha (+45,5%), Nga (+75,0%), Thụy Điển (+34,7%), Thụy Sỹ (+30,9%), Đan Mạch (+36,0%), Bỉ (+32,6%), Na Uy (+36,6%)...
Các chuyên gia du lịch cho rằng mùa cao điểm khách quốc tế tại Việt Nam từ tháng 10 đến tháng 4, do đó tháng 5 đón ít khách quốc tế hơn là bình thường. Mùa hè cũng là cao điểm du lịch ở các thị trường châu Âu, Đông Bắc Á, tệp khách quốc tế đến Việt Nam vì thế cũng phải “chia sẻ” ít nhiều. Việc lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tăng mạnh ngay trong mùa thấp điểm là nhờ chính sách thị thực thuận lợi; các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được đẩy mạnh, bước đầu đem lại hiệu quả.
Tính riêng từng địa phương, báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy tổng lượt khách du lịch đến với Hà Nội trong tháng 5/2024 là 2,37 triệu lượt, trong đó lượng khách quốc tế ghi nhận đạt 496.500 lượt, doanh thu du lịch đạt hơn 9.000 tỷ đồng.
Sau 5 tháng đầu năm, tổng thu từ khách du lịch của Hà Nội đạt 45.856 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượng khách du lịch đến thủ đô ước đạt 14,05 triệu lượt khách, với 3,14 triệu lượt khách quốc tế (trong đó 2,21 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 10,3 triệu lượt khách.
Ngày 27/5, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết ước tính 5 tháng đầu năm 2024 tỉnh Khánh Hòa đã đón hơn 3,8 triệu lượt khách lưu trú, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách nội địa ước đạt 1,8 triệu lượt, tăng 70% so với cùng kỳ; khách quốc tế ước đạt 2 triệu lượt, tăng 290% so với cùng kỳ.
Chỉ tính riêng trong tháng 5/2024, toàn tỉnh Khánh Hòa đã đón 830.000 lượt khách lưu trú, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 400.000 lượt, tăng 170% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 430.000 lượt, tăng 40% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 4.200,5 tỉ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ. Hiện nay, Hàn Quốc và Trung Quốc là 2 thị trường khách quốc tế lớn nhất của du lịch Khánh Hòa, xếp sau đó thị trường Kazakhstan, Thái Lan, Malaysia…
Trong khi đó, trong tháng 5, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhìn chung khá trầm lắng so với tháng trước đó. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tháng 5 ước đạt 665.000 lượt khách, tăng 4% so với cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế ước đạt 430.000 lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 235.000 lượt khách, giảm 13% so với cùng kỳ. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch tháng 05/2024 ước đạt 930 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 3.100.000 lượt khách, chỉ tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế ước đạt 1.870.000 lượt khách, tăng 9% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 1.230.000 lượt khách, tăng 4% so với cùng kỳ. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.470 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ...
Liên quan đến Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố mới đây, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ghi nhận những điểm mạnh của du lịch Việt Nam, như sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, mức độ an toàn, an ninh. Đồng thời, cơ quan quản lý du lịch cũng đề ra một số giải pháp để cải thiện Chỉ số năng lực phát triển du lịch trong thời gian tới.
Cụ thể, để cải thiện chỉ số "Sự bền vững về nhu cầu du lịch" (giảm 24 bậc), ngành du lịch cần phát triển thêm các tour du lịch và sản phẩm du lịch hấp dẫn, khuyến khích du khách quốc tế tăng thời gian lưu trú tại Việt Nam. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách quanh năm, giúp giảm tính mùa vụ của du lịch quốc tế. Ngoài ra, cần phát triển thêm các điểm đến mới, điểm đến thứ cấp để giảm thiểu tình trạng quá tải tại các trọng điểm du lịch.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cần tiếp tục thúc đẩy những chỉ số có dư địa tăng trưởng như “Tài nguyên phi giải trí”, "Nhân lực và thị trường lao động", và "Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông". Để đạt được điều này, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Có thể nói, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội để phát triển. Việc cải thiện Chỉ số Năng lực Phát triển Du lịch là vô cùng cần thiết để nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.