Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại cuộc họp trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý 2/2021 của Bộ với các Sở Thông tin và Truyền thông trên toàn quốc và đại diện các cơ quan chuyên trách công nghệ thông tin của các Bộ, ngành vừa diễn ra sáng ngày 15/6.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các địa phương, bộ ngành phải giám sát và làm cho không gian mạng của địa phương mình, của ngành mình trong sạch, lành mạnh. Trong thế giới thực, chúng ta đã và đang làm khá tốt, nên phải làm điều tượng tự trong thế giới số. Hiện nay, bên cạnh một số Sở Thông tin và Truyền thông đã khá mạnh mẽ trong vấn đề này, còn lại, cơ bản các bộ ngành và địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ.
“Các bộ ngành, lĩnh vực khác thì chưa mạnh mẽ, các sở khác chưa mạnh mẽ, nhưng không gian mạng lại là không gian của tất cả các lĩnh vực, các bộ ngành và địa phương”, Bộ trưởng nói.
Theo ông, nhiều khoảng trống đang tồn tại trên không gian mạng và đang bị lợi dụng, rất nhiều cá nhân và tổ chức đang bị phương hại. “Nỗi đau xã hội này là trách nhiệm của chúng ta. Trách nhiệm của chúng ta là duy trì sự lành mạnh của không gian mới này”, Bộ trưởng lưu ý và chỉ đạo hai Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo và Nguyễn Huy Dũng bàn bạc để trong tháng 7 tới ra chỉ thị, hướng dẫn, cách làm, các công cụ cần thiết để đảm bảo sự lành mạnh không gian mạng.
Một trong những việc cần làm ngay để đảm bảo sự lành mạnh, theo người đứng đầu ngành thông là sự di chuyển của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sang các nền tảng sạch. Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, công bố các nền tảng sạch. Các cục, vụ phụ trách lĩnh vực nào thì ra tiêu chí, đánh giá và công bố các nền tảng sạch thuộc lĩnh vực của mình.
Ngoài ra, hệ thống báo chí truyền thông của cả đất nước phải tích cực tuyên truyền, hàng ngày tuyên truyền để người dân, tổ chức, doanh nghiệp di chuyển sang môi trường có không khí trong lành hơn. Bên cạnh đó là xử lý mạnh tay các nền tảng không lành mạnh. “Chúng ta đã muộn rồi để mạnh mẽ làm sạch môi trường sống trên không gian mạng. Đừng để quá muộn”, Bộ trưởng Hùng thúc giục.
MỤC TIÊU 100% DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN MỨC ĐỘ 4
Đối với mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số trong năm 2021, ông nhấn mạnh là 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 100% dịch vụ công trực tuyến nếu có hồ sơ offline thì phải có hồ sơ online, sau một năm lên online thì ít nhất đạt tỷ lệ 30% hồ sơ online. Tránh việc lên online mà người dân không dùng. Sau khi đạt 30% thì sẽ tiến hoá tiếp, khi nào đạt 70-80% thì có thể ra quyết định hành chính về ngừng cung cấp offline.
“Các Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị phụ trách công nghệ thông tin của các Bộ phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Sớm hoàn thành các nhiệm vụ Chính phủ điện tử để bắt tay mạnh mẽ vào phát triển Chính phủ số”, ông Hùng nêu quan điểm, và chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tổ chức một buổi quán triệt, trao đổi, giải thích, làm rõ để thống nhất nhận thức, các việc phải làm, cách làm về Chính phủ điện tử và Chính phủ số.
"Có một cách để làm cho việc thay đổi dễ đi, là đi tìm những khó khăn đã tồn tại lâu, ai cũng thấy, ai cũng bị ảnh hưởng và giải quyết vấn đề này bằng công nghệ"
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về Chính phủ số, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh làm việc dựa trên dữ liệu. Do vậy, theo ông, mỗi bộ ngành, địa phương cần phải xây dựng dữ liệu lớn về kinh tế - xã hội. Data lake sẽ là hạ tầng dữ liệu quan trọng, sẽ giúp thay đổi cách thức vận hành của hệ thống. Khi cấp trên có nhu cầu về phân tích, báo cáo thì có thể tự làm mà không cần cấp dưới báo cáo.
Dữ liệu lớn từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều loại khác nhau để ra các quyết định chính xác hơn, dựa trên dữ liệu và tri thức nhiều hơn và vì vậy mà kỹ trị hơn.
“Chuyển đổi số thì có nhiều việc giống nhau và có thể copy từ nơi này sang nơi kia, nếu dùng nền tảng thì làm xong ở tỉnh này có thể khai báo cho tỉnh kia dùng. Bởi vậy mà Cục Tin học hoá Bộ Thông tin và Truyền thông nên giao mỗi bộ ngành, địa phương một việc thuộc nhóm những việc sau này có thể mở rộng ra toàn quốc. Với cách này thì nguồn lực sẽ tăng lên nhiều lần và việc cũng vì thế mà nhanh lên nhiều lần. Vai của người dẫn dắt là như vậy”, Bộ trưởng nói.
Ông cũng cho rằng, chuyển đổi số liên quan đến thay đổi. Mà thay đổi là một việc khó, nhất là thay đổi một thói quen. Có một cách để làm cho việc thay đổi dễ đi, là đi tìm những khó khăn đã tồn tại lâu, ai cũng thấy, ai cũng bị ảnh hưởng và giải quyết vấn đề này bằng công nghệ. Ai cũng thấy cần phải thay đổi, ai cũng được hưởng lợi từ thay đổi và vì thế mà ủng hộ thay đổi. Thay đổi một lần thấy hiệu quả thì sau đó mọi người sẽ đỡ sợ thay đổi hơn và cỗ xe lăn bánh.