October 20, 2024 | 10:07 GMT+7

Tháng 9/2024, không ghi nhận trường hợp trái phiếu doanh nghiệp chậm trả mới

Anh Nhi -

Lần đầu tiên kể từ tháng 10/2021, thị trường ghi nhận không có trái phiếu doanh nghiệp chậm trả phát sinh mới trong tháng…

Trái phiếu chậm trả phát sinh mới theo tháng.
Trái phiếu chậm trả phát sinh mới theo tháng.

Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 9/2024 vừa được VIS Rating công bố cho thấy tháng 9/2024 là tháng đầu tiên kể từ tháng 10/2021 không nghi nhận trường hợp chậm trả phát sinh mới nào. Nhờ đó, tổng giá trị trái phiếu chậm trả phát sinh mới trong quý 3/2024 là 1,7 nghìn tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình của bốn quý gần nhất là 14,9 nghìn tỷ đồng.

Với diễn biến tích cực này, tỷ lệ chậm trả lũy kế vào cuối tháng 9/2024 đã giảm nhẹ xuống còn 14,8% so với 14,9% của tháng trước. Đáng chú ý, khoảng 62% giá trị chậm trả lũy kế vẫn thuộc nhóm Bất động sản và Nhà ở, với tỷ lệ chậm trả lũy kế là 30%.

Trong tháng 9/2024, 10 tổ chức phát hành chậm trả thuộc các lĩnh vực Bất động sản và Nhà ở, Năng lượng và Xây dựng đã hoàn trả tổng cộng 781 tỷ đồng tiền gốc cho các trái chủ. 70% giá trị hoàn trả đến từ các công ty thuộc nhóm ngành Bất động sản và Nhà ở, bao gồm Công ty TNHH Saigon Glory và Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát. Tỷ lệ thu hồi chậm trả của các trái phiếu chậm trả đã tăng 0,3% lên 21,2% vào cuối tháng 09/2024.

Tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả theo nhóm ngành.
Tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả theo nhóm ngành.

Riêng Saigon Glory, báo cáo của VIS Rating cho biết, công ty này đã hoàn trả 448 tỷ đồng gốc cho các trái chủ trong tháng 09/2024. Như vậy, tính từ đầu năm, tổ chức phát hành này đã hoàn trả 1.341 tỷ đồng. Sau đợt thanh toán này, dư nợ gốc trái phiếu của Saigon Glory là 8,7 nghìn tỷ đồng. Theo như thông tin được công bố, Tập đoàn Bitexco, công ty mẹ của Saigon Glory có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu của công ty cho Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội (Phương Đông Hà Nội). Và Phương Đông Hà Nội cam kết hoàn trả nghĩa vụ nợ trái phiếu cho các trái chủ theo như điều khoản và điều kiện trái phiếu hiện tại.

Về trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn có rủi ro cao, trong tháng 10/2024, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn là khoảng 15,3 nghìn tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với tháng trước (24,5 nghìn tỷ đồng). Trong số này, VIS Rating dự kiến có 8 trái phiếu với tổng mệnh giá lưu hành là 420 tỷ đồng tỷ đồng có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Và trong vòng 12 tháng tới, có khoảng 45% trong số 245 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm ngành Bất động sản và Nhà ở.

Lượng trái phiếu đáo hạn trong 12 tháng theo nhóm ngành.
Lượng trái phiếu đáo hạn trong 12 tháng theo nhóm ngành.

Về phát hành mới, trong tháng 9/2024, lượng phát hành trái phiếu mới giảm xuống 55,9 nghìn tỷ đồng, từ mức 63 nghìn tỷ đồng trong tháng 08/2024. Các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 45,2 nghìn tỷ đồng, tiếp tục chiếm phần lớn trong các đợt phát hành mới.

Trong số các trái phiếu do các ngân hàng phát hành vào tháng 09/2024, 20% là trái phiếu thứ cấp đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2, được phát hành bởi Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bản Việt, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Các trái phiếu vốn cấp 2 này có kỳ hạn trung bình 8 năm và lãi suất từ 5,2% đến 7,9% trong năm đầu tiên. Các trái phiếu khác là trái phiếu không có tài sản đảm bảo với kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định từ 4,9% đến 6,0%.

Như vậy, cho đến cuối tháng 9/2024, 10% tổng lượng trái phiếu phát hành mới đến từ các đợt phát hành ra công chúng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate