September 26, 2022 | 19:10 GMT+7

Thặng dư thương mại hơn 1 nghìn tỷ USD của Trung Quốc cũng không thể “cứu” Nhân dân tệ khỏi trượt giá

An Huy -

Không chỉ là kỷ lục của Trung Quốc, thặng dư thương mại mà nước này dự kiến đạt được trong năm 2022 còn là mức cao nhất mà một quốc gia trên thế giới từng có được trong lịch sử...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ lập kỷ lục trên 1 nghìn tỷ USD trong năm nay, nhưng điều đó sẽ không đủ để ngăn đồng Nhân dân tệ trượt giá trước đồng USD đang leo thang chóng mặt. Lý do ở đây là niềm tin của doanh nghiệp suy giảm - theo một báo cáo của công ty Macquarie Group Ltd. được hãng tin Bloomberg trích dẫn.

Không chỉ là kỷ lục của Trung Quốc, thặng dư thương mại mà nước này dự kiến đạt được trong năm 2022 còn là mức cao nhất mà một quốc gia trên thế giới từng có được trong lịch sử. Dù vậy, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie, ông Larry Hu, nói rằng các nhà xuất khẩu của nước này không muốn chuyển đổi ngoại tệ sang đồng Nhân dân tệ do niềm tin kinh doanh đã bị sụt giảm mạnh trong năm nay.

Ông Hu ước tính rằng tỷ lệ chuyển đổi ngoại tệ sang Nhân dân tệ - tức phần trăm giá trị của thặng dư thương mại Trung Quốc được chuyển sang đồng nội tệ - đã giảm còn 36% trong 8 tháng đầu năm nay, so với mức 57% cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 1/2022, tỷ lệ chuyển đổi đạt tương đối cao 50%, nhưng sau đó sụt giảm chóng mặt kể từ đợt phong toả chống Covid-19 kéo dài suốt mấy tháng trời ở trung tâm tài chính Thượng Hải.

Các nhà xuất khẩu của Trung Quốc có thể đang đặt cược vào sự giảm giá sâu hơn của đồng Nhân dân tệ trong bối cảnh kinh tế giảm tốc, hoặc cảm thấy ít cần thiết hơn phải đổi từ ngoại tệ sang nội tệ vì có sự suy giảm trong nhu cầu tái đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh bằng vốn lưu động Nhân dân tệ - theo Macquarie. Điều đó đồng nghĩa với việc thặng dư thương mại của Trung Quốc đóng một vai trò ít hơn trong việc hạn chế đà giảm giá của Nhân dân tệ.

Tỷ lệ chuyển đổi thặng dư thương mại của Trung Quốc sang Nhân dân tệ qua các năm - Nguồn: Bloomberg.
Tỷ lệ chuyển đổi thặng dư thương mại của Trung Quốc sang Nhân dân tệ qua các năm - Nguồn: Bloomberg.

“Cho dù thặng dư thương mại của Trung Quốc có lập kỷ lục, đồng Nhân dân tệ vẫn đang chịu áp lực mất giá mạnh mẽ trước đồng USD’, ông Hu nhận định. Xét tới xu hướng tăng giá “bất bại” của USD và niềm tin doanh nghiệp suy yếu ở Trung Quốc, các chiến lược gia của Macquarie dự báo Nhân dân tệ sẽ giảm giá về mức 7,15 Nhân dân tệ đổi 1 USD trước cuối năm nay.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (26/9), Nhân dân tệ đã giảm giá quá ngưỡng trên.

Ông Hu nói rằng tỷ lệ chuyển đổi từ ngoại tệ trong thặng dư thương mại của Trung Quốc sang Nhân dân tệ có thể chính là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” đối với Nhân dân tệ. Nếu tỷ lệ này không giảm mạnh đến vậy trong quý 2, thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc trong năm nay đã có thể bù đắp cho dòng ngoại tệ chảy khỏi các khu vực khác của nước này, chẳng hạn thị trường trái phiếu.

Bởi vậy, ông Hu lập luận rằng để bình ổn tỷ giá đồng nội tệ, Trung Quốc có thể cần nới lỏng chính sách, trái ngược với quan điểm truyền thống là việc nới lỏng sẽ làm suy yếu đồng tiền.

“Nếu kinh tế phục hồi mạnh mẽ và dẫn tới niềm tin lớn hơn, các nhà xuất khẩu sẽ chuyển đổi thêm nhiều USD sang Nhân dân tệ”, vị chiến lược gia nhấn mạnh.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc đã liên tục tăng kể từ khi Covid trở thành đại dịch. Sự gia tăng này có được một phần nhờ chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid. Chính sách này giúp bảo toàn năng lực cung ứng xuất khẩu của Trung Quốc, trong khi kìm hãm nhu cầu tại thị trường nội địa và nhập khẩu.

Tiêu dùng ở Trung Quốc cũng suy yếu do cuộc khủng hoảng bất động sản và việc Chính phủ nước này không muốn ồ ạt bơm thanh khoản vào nền kinh tế, mà thay vào đó hỗ trợ có mục tiêu, kết hợp với các chính sách theo ngành và chi tiêu tài khoá có trọng điểm để kích thích tăng trưởng.

Dù vậy, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc có thể suy yếu khi lạm phát leo thang và khủng hoảng năng lượng làm nhu cầu toàn cầu tăng chậm lại. Tháng 8 vừa qua, xuất khẩu của Trung Quốc tăng chậm nhất kể từ tháng 4 - thời điểm phong toả ở Thượng Hải gây gián đoạn hoạt động vận tải.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate