Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp về tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, tỉnh Thanh Hóa, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình và các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng trong tỉnh Thanh Hóa.
Theo Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, trong 9 tháng qua, các tổ chức tín dụng, Quỹ tín dụng Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai các giải pháp hạ lãi suất cho vay, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng, phục hồi và ổn định sản xuất.
Tính đến 30/9/2023, tổng dư nợ trên toàn địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 185.988 tỷ đồng, tăng 5,78% so với đầu năm. Trong đó, cho vay doanh nghiệp có dư nợ đạt 51.968 tỷ đồng với 4.662 lượt doanh nghiệp đang vay vốn.
Ngành Ngân hàng Thanh Hóa đã triển khai nhiều chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, người dân nhằm kịp gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng bằng nhiều hình thức.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức các hội nghị đối thoại quy mô cấp tỉnh, các tổ chức tín dụng chủ động gặp gỡ, đối thoại, tổ chức hội nghị khách hàng, duy trì đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh trong thực hiện chính sách của ngành.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng tỉnh Thanh Hóa thực hiện tiết giảm chi phí, giảm phí, lệ phí; đơn giản hóa quy trình thủ tục vay vốn; rút ngắn thời gian phê duyệt và giải ngân vốn vay; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay (phổ biến giảm từ 0,5 - 2%/năm). Đồng thời, triển khai khẩn trương, kịp thời Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Đến ngày 30/9/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa có 203.454 khách hàng được hỗ trợ ưu đãi lãi suất, tài sản bảo đảm, miễn/giảm lãi với doanh số cho vay đạt 76.539 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ là 287 tỷ đồng.
Theo ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, các ngân hàng đều có những gói tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, việc vay trung hạn, dài hạn rất hạn chế.
Hiện, lãi suất vay đã giảm nhưng vẫn chưa ở mức kỳ vọng của doanh nghiệp trong điều kiện sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Một số gói tín dụng có lãi suất ưu đãi nhưng điều kiện vay chặt chẽ, nên khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế.
Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất các tổ chức tín dụng cần giảm bớt thủ tục hồ sơ vay vốn, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với khách hàng doanh nghiệp... Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các chính sách giảm lãi suất cho vay theo các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tạo điều kiện để những doanh nghiệp nhỏ và vừa được ưu tiên về vốn vay.
Tại hội nghị, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức tín dụng, các sở, ngành cấp đã trả lời, giải thích, làm rõ các ý kiến của doanh nghiệp. Thời gian tới, ngành Ngân hàng Thanh Hóa cam kết tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sẽ cùng với Ngân hàng nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền của tỉnh, đồng thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền với các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương.
Ông Thi đề nghị Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, các sở, ngành tỉnh trong thời gian tới phải chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng và hiệp hội ngành, nghề trong tỉnh xem xét, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, nhất là vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay thuận lợi với thủ tục hành chính đơn giản.
Các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên các chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình hỗ trợ giảm 02% lãi suất, chương trình phục hồi kinh tế. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định, bền vững.
Các sở, ban ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong quá trình thực hiện các chương trình tín dụng, đặc biệt là các chương trình cho vay các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hỗ trợ hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ổn định và phát triển bền vững.