September 14, 2023 | 09:57 GMT+7

Thanh Hóa: Bắt giám đốc doanh nghiệp làm giả hồ sơ tổ chức cho người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép

Song Khánh -

Làm giả hồ sơ, tài liệu để làm thủ tục mời, bảo lãnh, đề nghị cấp giấy phép lao động và cấp thẻ tạm trú cho 30 người nước ngoài nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép, một giám đốc doanh nghiệp tại Thanh Hóa vừa bị Cơ quan An ninh điều tra khởi tố, bắt tạm giam...

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Lê Thị Hồng Vân
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Lê Thị Hồng Vân

Chiều ngày 12/9, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với bị can Lê Thị Hồng Vân (sinh năm 1984) thường trú ở phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự và tội "Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép" quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự.

Theo tài liệu của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa: Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2021 đến tháng 3/2023, Lê Thị Hồng Vân đã chỉ đạo 2 nhân viên dưới quyền làm giả 65 tài liệu của 30 trường hợp người nước ngoài, sau đó sử dụng pháp nhân của 4 công ty để làm thủ tục mời, bảo lãnh, đề nghị cấp giấy phép lao động và cấp thẻ tạm trú cho 30 người nước ngoài nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép".

Được biết, Công ty TNHH đầu tư và phát triển giáo dục PPV có trụ sở tại số 3 Việt Bắc, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa. Trong khi đó, Công ty TNHH giáo dục quốc tế Apple có địa chỉ tại số 468G Trần Phú, Phường Ba Đình, Thành phố Thanh Hoá. Cả 2 doanh nghiệp này đều có ngành nghề hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ giáo dục do Lê Thị Hồng Vân làm đại diện pháp luật.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngoài việc khởi tố, bắt tạm giam Lê Thị Hồng Vân, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”  đối với các bị can Đỗ Thị Vân và Phạm Thị Hiền. Hiện, vụ việc đang tiếp tục được điều tra Cơ quan An ninh Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra, mở rộng.

Liên quan đến việc cấp phép cho người lao đông nước ngoài, từ đầu năm 2023 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động là người nước ngoài của các doanh nghiệp, nhà thầu đối với hơn 1.300 lượt người, gồm: 55 nhà quản lý, 27 giám đốc điều hành, 248 chuyên gia và gần 1.000 lao động kỹ thuật; đã cấp 1.000 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại tỉnh, trong đó: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp 512 giấy phép (cấp mới 318 giấy, cấp lại 25 giấy, gia hạn 169 giấy), Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cấp 488 giấy phép (cấp mới 308 giấy, cấp lại 25 giấy, gia hạn 155 giấy). Hiện nay, tổng số lao động người nước ngoài hiện đang làm việc trên địa bàn tỉnh là hơn 2.000 người.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh đã chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính cho lao động là người nước ngoài làm việc tại tỉnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định về quản lý lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, như: việc chấp hành chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu sử dụng lao động nước ngoài chưa đầy đủ, kịp thời; tình trạng lao động là người nước ngoài sử dụng visa du lịch vào để giảng dạy ngoại ngữ hoặc sử dụng visa doanh nghiệp vào làm việc tại tỉnh còn xảy ra…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate