Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới, trong nước phục hồi chậm, nhưng du lịch Thanh Hóa vẫn có bước tăng trưởng khá, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này.
Giai đoạn 2020 - 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đón 34,3 triệu lượt khách (có trên 918,1 nghìn khách quốc tế), tốc độ tăng trưởng đạt 6,6%/năm; tổng thu du lịch ước đạt 59.965 tỉ đồng, tăng trưởng doanh thu đạt 14%/năm.
Trong 7 tháng năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa đón trên 12,9 triệu lượt khách, tăng 20,7% so với cùng kỳ; tổng thu du lịch ước đạt 27.868 tỉ đồng, tăng 40,5% so với cùng kỳ và bằng 86,1% kế hoạch; trong đó, có khoảng 401 nghìn khách quốc tế, đem lại doanh thu trên 209,9 triệu USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ.
Những năm qua, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Thanh Hóa được nâng lên, toàn tỉnh hiện có 56.300 lao động trong lĩnh vực du lịch, tăng 15.700 lao động so với năm 2020. Trong đó, số lao động được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch của tỉnh này là 46.500 người, chiếm 82,6%, tăng 3 điểm % so với đầu nhiệm kỳ.
Thanh Hóa có thêm 62 doanh nghiệp lữ hành được cấp phép, nâng tổng số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được cấp phép trên địa bàn tỉnh đến nay lên 82 doanh nghiệp, gồm có 22 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 56 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 3 chi nhánh du lịch; 1 đại lý du lịch.
Công tác quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, toàn tỉnh này hiện có 47 quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt và 9 quy hoạch đang triển khai nghiên cứu.
Các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển du lịch tại Thanh Hóa được tăng cường, toàn tỉnh hiện có 82 dự án đầu tư kinh doanh du lịch đang triển khai, với tổng vốn đăng ký hơn 146.000 tỉ đồng. Hạ tầng cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch phát triển nhanh chóng; đến nay, toàn tỉnh đã có 1.300 nhà nghỉ, khách sạn, 192 homestay, 235 căn hộ khách sạn, 800 biệt thự, căn hộ cho thuê, với tổng số 56.700 phòng.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 1.000 nhà hàng ăn uống và 10 trung tâm mua sắm quy mô lớn phục vụ khách du lịch; có 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách với hơn 180 xe ô tô từ 16 - 45 chỗ; tại các khu, điểm du lịch có khoảng 900 xe điện, 500 xích lô, 03 tàu và 15 xuồng chở khách du lịch đang hoạt động.
Các sản phẩm du lịch ở Thanh Hóa được tập trung đầu tư, nâng cấp, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, từng bước hình thành những sản phẩm du lịch cao cấp; đặc biệt là sản phẩm du lịch biển có nhiều chuyển biến tích cực với sự đầu tư hạ tầng quy mô lớn tại một số khu du lịch trọng điểm, như: Sầm Sơn, Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)...
Du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh ngày càng phát huy giá trị, nhiều điểm đến thu hút lượng lớn du khách hàng năm, như: Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc); Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), Di tích lịch sử Am Tiên (huyện Triệu Sơn), Quần thể di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa); Di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt (huyện Thường Xuân)...
Cùng với đó, các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng tại Thanh Hóa ngày càng được đầu tư hoàn thiện, như: Khu du lịch sinh thái Pù Luông (huyện Bá Thước), Bản Mạ (huyện Thường Xuân), bản Năng Cát (huyện Lang Chánh)... ngày càng khẳng định được sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế.