January 04, 2024 | 15:00 GMT+7

Thanh Hóa có hơn 900 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động

Nguyễn Thuấn -

Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 902 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, các lĩnh vực có số lượng quay trở lại hoạt động nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 267 doanh nghiệp, chiếm 29,6%; lĩnh vực xây dựng 165 doanh nghiệp, chiếm 18,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo 150 doanh nghiệp, chiếm 16,6%. Trong số các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động có 813 doanh nghiệp quy mô vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng trở xuống, chiếm 90,1%.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động năm 2023 là 1.246 doanh nghiệp, giảm 2,8% so với cùng kỳ, trong đó: có 319 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, chiếm 25,6%; 204 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, chiếm 16,4%; 161 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 12,9%.

Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có quy mô vốn nhỏ, trong đó: quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng 1.102 doanh nghiệp, chiếm 88,4%; quy mô vốn từ 10 đến 100 tỷ đồng 118 doanh nghiệp, chiếm 9,5%; quy mô vốn trên 100 tỷ đồng 26 doanh nghiệp, chiếm 2,1%.

Trong năm 2023, Thanh Hóa có 631 doanh nghiệp giải thể, tăng 66,5% so với cùng kỳ; chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ và hoạt động trong các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 31,5%); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,9%); xây dựng (chiếm 12,5%); kinh doanh bất động sản (chiếm 9,1%)...

Có nhiều nguyên nhân tác động đến tình hình hoạt động, giải thể của doanh nghiệp trong năm 2023, được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa chỉ ra, như: nhu cầu của các thị trường nhập khẩu truyền thống của tỉnh như Trung Quốc, EU, Mỹ gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng mới, phải thu hẹp hoạt động sản xuất; giá cá, nguồn cung ứng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thiếu ổn định; lãi suất cho vay duy trì ở mức cao trong phần lớn thời gian của năm 2023, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Biện, Bí thư Huyện ủy huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đến thăm và kiểm tra tình hình sản xuất tại Chi nhánh Công ty CP May Xuất khẩu Vina Capital và Công ty TNHH May Vạn Hà
Ông Nguyễn Văn Biện, Bí thư Huyện ủy huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đến thăm và kiểm tra tình hình sản xuất tại Chi nhánh Công ty CP May Xuất khẩu Vina Capital và Công ty TNHH May Vạn Hà

Tính đến ngày 14/11/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập mới 2.927 doanh nghiệp, gồm: 2.502 công ty trách nhiệm hữu hạn, 412 công ty cổ phần, 13 doanh nghiệp tư nhân.

Tỉnh này đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, sau các tỉnh thành phố Hồ Chính Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, đạt 97,6% kế hoạch, giảm 7,3% so với cùng kỳ; tổng vốn điều lệ đăng ký 17.739 tỷ đồng, bình quân vốn điều lệ đăng ký đạt 6,1 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Trong đó, khu vực các huyện đồng bằng và thành phố Thanh Hóa thành lập mới 1.993 doanh nghiệp, bằng 92,7% kế hoạch; khu vực các huyện ven biển thành lập mới 652 doanh nghiệp, đạt 109,6% kế hoạch; khu vực các huyện miền núi thành lập mới 282 doanh nghiệp, đạt 110,6% kế hoạch; chỉ có 04 địa phương (gồm: thị xã Bỉm Sơn, các huyện: Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Ngọc Lặc) có số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lớn, gồm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy 846 doanh nghiệp, chiếm 29,7%; xây dựng 569 doanh nghiệp, chiếm 20%; công nghiệp chế biến, chế tạo 401 doanh nghiệp, chiếm 14,1%.

Các doanh nghiệp thành lập mới quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng có 2.627 doanh nghiệp, chiếm 92,3%; quy mô vốn từ trên 10 - 20 tỷ đồng có 108 doanh nghiệp, chiếm 3,8%; quy mô vốn từ trên 20 - 50 tỷ đồng có 69 doanh nghiệp, chiếm 2,4%; quy mô vốn từ trên 50 - 100 tỷ đồng có 26 doanh nghiệp, chiếm 0,91%; quy mô vốn từ trên 100 tỷ đồng có 17 doanh nghiệp, chiếm 0,6%.

Các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự kiến tạo việc làm cho khoảng 32.261 lao động, giảm 1,5 lần so với cùng kỳ; trong đó: có 2.708 doanh nghiệp quy mô lao động đăng ký từ 10 lao động trở xuống, chiếm 95,1%; có 119 doanh nghiệp đăng ký trên 10 lao động đến 50 lao động, chiếm 4,2%; có 20 doanh nghiệp đăng ký từ 50 đến 100 lao động, chiếm 0,7%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate