October 31, 2024 | 18:33 GMT+7

Thanh Hoá còn 31 chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư công ì ạch

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Tính từ đầu năm đến nay, Thanh Hoá đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhanh của cả nước. Tuy nhiên, tại địa phương tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm vẫn rất chậm, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả tỉnh….

Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hoá một trong những chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu công thấp
Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hoá một trong những chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu công thấp

UBND tỉnh Thanh Hoá vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2024.

Tại hội nghị, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá, đến hết ngày 28/10/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Thanh Hoá (bao gồm cả vốn năm 2022 và năm 2023 kéo dài sang năm 2024) là 9.301,7 tỷ đồng, bằng 65,9% kế hoạch, cao hơn 10,8% so với cùng kỳ.

Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 6.861,9 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương là 1.950,3 tỷ đồng; vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh là 481,9 tỷ đồng, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ (vốn dự bị động viên) là 7,542 tỷ đồng.

Nếu chỉ tính kế hoạch năm 2024, tỷ lệ giải ngân của cả tỉnh bằng 67,9% kế hoạch, cao hơn 15,6% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước (52,29%).

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân 10 tháng năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa đạt 70,57% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 64,59% kế hoạch do tỉnh giao, đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân nhanh.

Toàn tỉnh Thanh Hoá có 22 chủ đầu tư, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả tỉnh. Trong đó có 8 sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh gồm: Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng UBND tỉnh; Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; Trường THPT Chuyên Lam Sơn; Sở Công Thương; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa; Tỉnh đoàn; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa. 12 UBND cấp huyện gồm: thành Thanh Hóa; thành phố Sầm Sơn; thị xã Bỉm Sơn; các huyện: Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định, Như Xuân, Thọ Xuân, Thạch Thành, Quảng Xương, Quan Hóa, Bá Thước và 2 đơn vị khác là Liên minh hợp tác xã và Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn chủ trì hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn chủ trì hội nghị.

Thanh Hoá có 80 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch với số vốn là 788,934 tỷ đồng. Cụ thể: Dự án tu bổ, nâng cấp đê hữu sông Lèn, đoạn từ đền Cô Đôi, xã Châu Lộc đến cầu Đò Lèn, xã Đồng Lộc (Hậu Lộc); Dự án mở rộng tuyến đường C-C3, Khu du lịch Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn; Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đập, hồ chứa và bản đồ mực nước hạ du của các đập thủy điện trên địa bàn tỉnh...

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm vẫn rất chậm, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh này.  Tiến độ chuẩn bị hồ sơ của các dự án khởi công mới tại Thanh Hoá có thời gian thực hiện từ 2022-2025 chậm, công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Đáng nói, đến thời điểm này Thanh Hoá vẫn còn 31 chủ đầu tư, địa phương giải ngân thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả tỉnh, như: Ban quản lý dự án đầu tư các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa; Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh; Sở Xây dựng; Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND cấp huyện có thị xã Nghi Sơn, các huyện: Nga Sơn, Đông Sơn, Nông Cống, Quan Sơn...

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn đã phân tích, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên ngân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua và yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nhận diện rõ để sớm khắc phục.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã phát động chiến dịch 60 ngày, đêm tăng tốc hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Mục tiêu đến 31/12/2024, toàn tỉnh giải ngân 100% vốn đã được Chính phủ giao, bất luận khó khăn, thách thức.

Cùng đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh quan điểm trong quá trình thực hiện là không chủ quan trước mọi tình huống, tranh thủ tối đa các điều kiện và nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn giao Sở Xây dựng tham mưu báo cáo UBND tỉnh về chỉ đạo công tác thanh tra trên lĩnh vực xây dựng, trong đó tập trung vào các nội dung như chất lượng hồ sơ mời thầu; hoạt động tư vấn; chất lượng công trình.

Đồng thời, thống nhất chủ trương điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn, bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao và yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate