Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1 Khu kinh tế ven biển (KKT Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha) và 08 Khu công nghiệp (với tổng diện tích 2.035 ha.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết thu hút các dự án đầu tư mới, sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển vào Thanh Hóa thời kỳ hậu Covid-19, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị liên quan tham mưu bổ sung một số khu công nghiệp, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, giai đoạn từ năm 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bổ sung vào quy hoạch 1 Khu kinh tế cửa khẩu (Khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo) và 11 khu công nghiệp; loại bỏ khu công nghiệp Hoàng Long để dành quỹ đất cho phát triển đô thị.
Đến nay, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện, tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 30/7/2020, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 1004/TTg-NN về việc điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp và đất ở tại đô thị. Trong đó, tạm điều chỉnh diện tích đất khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến ngày 31/12/2020 giảm 2.100 ha. Như vậy, tỉnh Thanh Hóa sẽ có 2.137 ha chỉ tiêu đất phát triển công nghiệp.
Hiện nay, để giải quyết các nội dung liên quan đến quy hoạch trong giai đoạn chuyển tiếp khi quy hoạch cấp Quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt; ngày 16/8/2019, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 để giải thích một số điều của Luật Quy hoạch; theo đó: Các quy hoạch có thể tiến hành lập đồng thời; quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước; sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.
Để tiếp tục thực hiện việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp và không bị gián đoạn bởi việc Quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho vận dụng Nghị Quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Quốc hội để thực hiện.
Theo đó, UBND tỉnh sẽ phê duyệt quy hoạch vùng huyện, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở để lựa chọn các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp ưu tiên đầu tư, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Như vậy, việc thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng sẽ được chấp thuận, triển khai sớm hơn, làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài ra địa phương này cũng đề xuất, thứ nhất nghiên cứu bãi bỏ quy định tỷ lệ lấp đầy khi thành lập mới, mở rộng Khu công nghiệp; Thứ 2 nghiên cứu tăng chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp cho tỉnh Thanh Hóa.
Để cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, Thanh Hóa đề nghị Bộ Công thương cho phép: Đối với các thay đổi nhỏ: "Tên gọi, vị trí, diện tích, ngành nghề hoạt động, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các nội dung khác về cụm công nghiệp... không làm thay đổi mục tiêu, bản chất, tăng diện tích sử dụng đất của phương án phát triển cụm công nghiệp trong quy hoạch tỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".