Ngày 4/4 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chứchội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Theo thông tin tại hội nghị, tổng nguồn kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa là 12.780,458 tỷ đồng. Trong đó vốn năm 2023 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 là 647,679 tỷ đồng; vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 là 17,116 tỷ đồng.
Tỉnh này đã thành lập 5 tổ công tác cấp tỉnh và đã tổ chức 12 đợt kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các dự án. Chính vì vậy, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa những tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2024, toàn tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân được 2.275,7 tỷ đồng, bằng 17,8% kế hoạch, cao hơn 4,13% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước, đứng thứ 14 trong 63 tỉnh, thành phố giải ngân nhanh. Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa có 19 chủ đầu tư, đơn vị giải ngân đạt từ trên mức giải ngân trung bình của tỉnh; 29 chủ đầu tư giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh. Tỉnh này đã có 26 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch; 41 dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng được đẩy mạnh, toàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện giải phóng mặt bằng được gần 2.167 ha, tương ứng với 778 dự án. Trong đó, có 627 dự án đầu tư công với diện tích là hơn 1.000ha và 151 dự án đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp với diện tích hơn 1.110ha. Tính đến 31/3/2024, đã ký cam kết giải phóng mặt bằng 1.836,241 ha/2.166,874 ha, đạt 84,74%; đo đạc, kiểm kê 1.671,758 ha/2.166,874 ha, đạt 77,15%; phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng 1.289,615 ha/2.166,874 ha, đạt 59,52%; chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng 853,946 ha/2.166,874 ha, đạt 39,41%.
Tuy nhiên, vẫn còn những đơn vị tại Thanh Hóa có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp như: Quan Hóa, Thường Xuân, Như Thanh, thành phố Thanh Hóa. 5 đơn vị tại tỉnh này có tỷ lệ giải ngân "0 đồng" gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, Sở Y tế Thanh Hóa, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng và Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, Thanh Hóa cũng có 3 đơn vị có tỷ lệ diện tích giải phóng mặt bằng 0% trong quý 1/2024 là các huyện: Mường Lát, Quan Hóa và Bá Thước. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nghiêm khắc phê bình các đơn vị này.
Ông Tuấn biểu dương 19 chủ đầu tư, đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt từ trên mức trung bình của tỉnh, trong đó có 7 sở, ban, ngành và 12 huyện, thị xã; biểu dương 26 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch. Đồng thời đề nghị 29 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức trung bình của tỉnh tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ được giao.