Theo thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, tính đến tháng 4/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa có 400.905 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (tăng 9.997 người so với cùng kỳ), có 80.253 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (tăng 4.658 người so với cùng kỳ), có 375.011 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (tăng 10.036 người so với cùng kỳ), có 3.143.310 người tham gia bảo hiểm y tế (tăng 96.610 người so với cùng kỳ). Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc so với tổng số người thuộc diện tham gia đạt 92,51%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp so với tổng số người thuộc diện tham gia đạt 89,6%.
1.755 ĐƠN VỊ NỢ BẢO HIỂM TỪ 3 THÁNG TRỞ LÊN
Tốc độ tăng tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội bình quân hàng năm giai đoạn 2018 - 2022 đạt 6,4%/năm, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 4,9%/năm. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động vẫn còn xảy ra ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.755 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên, với tổng số tiền nợ trên 422 tỷ đồng.
Cụ thể, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong khối doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tại Thanh Hóa là 1.752 đơn vị, số tiền nợ là 418,5 tỷ đồng, chiếm 99,16% tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên. Trong đó số đó có 720 mã đơn vị nợ từ 3 tháng đến dưới 12 tháng, với số tiền nợ 69 tỷ đồng; 488 mã đơn vị nợ từ 12 tháng trở lên, với số tiền nợ 226,3 tỷ đồng; 544 mã đơn vị nợ khó thu (giải thể, phá sản, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ bỏ trốn...) đã dừng tính lãi với số tiền nợ 123,2 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp đang hoạt động, có đông lao động và số tiền nợ lớn, thời gian nợ kéo dài, điển hình như: Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT có 831 lao động, nợ 24 tháng với số tiền 21 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa có 50 lao động, nợ 81 tháng với số tiền 15,7 tỷ đồng; Xí nghiệp Sông Đà 10.5 có 206 lao động, nợ 23 tháng với số tiền 6,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Lilama 5 có 63 lao động, nợ 54 tháng với số tiền 15,3 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 4 có 55 lao động, nợ 57 tháng với số tiền 9,6 tỷ đồng...
Nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong khối hành chính sự nghiệp tại Thanh Hóa hiện có 3 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên, với số tiền nợ 3,561 tỷ đồng. Cụ thể, những đơn vị này gồm có Ban quản lý đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hóa nợ 3,1 tỷ đồng, Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng thành phố Thanh Hóa nợ 295 triệu đồng, Ban quản lý bảo trì công trình giao thông và điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng nợ 166 triệu đồng.
Nghiêm trọng hơn, một số doanh nghiệp còn ít lao động, có số nợ lớn, thời gian nợ kéo dài; cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra, yêu cầu khắc phục, chấn chỉnh nhiều lần nhưng không thu hồi được nợ, như: Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Long chỉ còn 1 lao động, nợ 7,7 tỷ đồng; Công ty CP xây dựng Hancorp.2 chỉ còn 2 lao động, nợ 37,9 tỷ đồng…
Tình trạng chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, nhất là trong trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán chế độ; một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được chốt sổ bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ hưu trí, gây thiệt thòi, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.
KHÓ KHĂN NÊN DOANH NGHIỆP CHẬM NỘP BẢO HIỂM XÃ HỘI
Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tình hình sản xuất kinh, doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có đông lao động gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm, thiếu nguyên vật liệu đầu vào, bị sụt giảm hoặc không còn đơn hàng, phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động…, dẫn đến không còn khả năng tham gia, trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Tiếp đến, các đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng với thời gian dài đều là đơn vị được giao tự chủ về biên chế, tài chính, gặp khó khăn do không có nguồn thu, sử dụng biên chế chưa hiệu quả, dẫn đến chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, qua kiểm tra thực tế cho thấy còn có tình trạng doanh nghiệp khi trả lương cho người lao động đã khấu trừ phần kinh phí phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng cho người lao động nhưng vẫn không nộp đúng hạn cho cơ quan đóng bảo hiểm xã hội mà cố tình chây ỳ, sử dụng nguồn kinh phí này để phục vụ cho mục đích lợi nhuận khác (do lãi suất chậm nộp đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn lãi suất ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ đóng bảo hiểm xã hội).
Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra lao động các cấp còn mỏng, trong khi cơ quan đóng bảo hiểm xã hội lại không có thẩm quyền thanh tra, xử phạt hành chính nên mặc dù thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhưng hiệu quả chưa cao. Các quy định, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực đóng bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, thủ tục phức tạp và chưa đủ sức răn đe; hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về xử lý hình sự khi chủ sử dụng lao động chiếm dụng tiền đóng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.