April 24, 2021 | 19:24 GMT+7

Thanh Hóa đột phá thu hút đầu tư

Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, không chỉ dừng ở việc phát triển cho Thanh Hóa mà còn góp phần thúc đẩy, lan tỏa cho phát triển của cả nước.

Thanh Hóa là điểm sáng trong thu hút FDI
Thanh Hóa là điểm sáng trong thu hút FDI

Theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa sẽ trở thành cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, hình thành một tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc. 

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến hoạt động kinh tế và thu hút đầu tư ở các tỉnh, thành trong cả nước bị đình trệ. Tuy nhiên, Thanh Hóa lại trở thành điểm sáng của cả nước trong thu hút các dự án. Để có được kết quả đó, ngoài việc nắm bắt cơ hội, còn là sự đổi mới trong chiến lược thu hút các nhà đầu tư của các ngành, các cấp trong tỉnh. Nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng cải cách hành chính, đơn giản hóa nhiều khâu thủ tục cho doanh nghiệp.

Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, Thanh Hóa luôn thực hiện “hai đồng hành” và “ba cam kết”. Đó là: đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư. Khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm, tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

 

Thanh Hóa luôn thực hiện “hai đồng hành” và “ba cam kết”.Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư với lượng vốn lớn

Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh chủ động thực hiện “Ba cam kết”. Đó là: cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; đồng thời cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư với lượng vốn lớn. Cuối tháng 1/2021, Tập đoàn AVG Capital Partners (LB Nga) đã ký kết biên bản ghi nhớ theo hình thức trực tuyến với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai dự án Tổ hợp chế biến thịt lợn với quy mô đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD.

Tập đoàn Foxconn có chuyến công tác tại Thanh Hóa nhằm khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư sản xuất thiết bị điện tử. Theo đó, Foxconn Việt Nam mong muốn được tỉnh Thanh Hóa giới thiệu địa điểm và ủng hộ tập đoàn đầu tư vào một khu công nghiệp quy mô khoảng 150 ha để xây dựng các nhà máy sản xuất với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD, doanh thu xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD/năm, sử dụng khoảng 100.000 - 150.000 lao động

Trước đó, tháng 6/2020, Tập đoàn Milennium Energy (Hoa Kỳ) đã đặt bút ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá về việc đầu tư xây dựng nhà máy phát điện bằng khí hóa lỏng có công suất lên đến 4.800 MW với quy mô vốn lên tới 5 tỷ USD. Điều đáng nói, đây là dự án không khai thác tài nguyên của Việt Nam mà phía tập đoàn cam kết sẽ tự cung ứng, nhập khẩu 100% nguyên liệu đầu vào từ các nước khác, do một mình tập đoàn đầu tư và một tổ chức tài chính lớn của Hoa Kỳ tài trợ vốn. Từ đó đến nay, phía Tập đoàn Milennium Energy đã thuê tư vấn thiết kế, triển khai một số công việc liên quan. Đây là động thái cho thấy, khả năng nhà đầu tư sẽ đầu tư vào Thanh Hoá là rất lớn.

 

So với thời điểm 11/2020, Thanh Hóa thu hút được 155 dự án đầu tư trực tiếp (13 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 28.900 tỷ đồng (tương đương 1,242 tỷ USD), tăng 2,6% so với cùng kỳ. Bốn tháng sau (3/2021), Thanh Hóa đã thu hút được 159 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 14,53 tỷ USD).

Thanh Hóa đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020 ngay sau khi Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội. Tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư cho 34 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Tỉnh đang nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm cuối thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, hoạch định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, phác thảo tầm nhìn đến năm 2045 với bốn trung tâm kinh tế động lực.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate