Nguồn tin từ Cục Thuế Thanh Hóa cho biết, tổng thu nội địa ước đạt 24.373 tỷ đồng, đạt 131% so dự toán năm và bằng 154% so với cùng kỳ; ước thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng, đạt 156% dự toán và bằng 161% so với cùng kỳ. Có 10/13 lĩnh vực có tiến độ thu tốt, dự kiến đạt và vượt dự toán năm.
Một số khoản thu có tỷ trọng lớn, số thu đạt cao so với dự toán năm, gồm: Thu tiền sử dụng đất đạt 10.603 tỷ đồng, bằng 151% so dự toán; ước cả năm là 11.700 tỷ đồng, bằng 167% dự toán. Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5.199,5 tỷ đồng, bằng 157 % dự toán. Thuế thu nhập cá nhân đạt 1.055 tỷ đồng, bằng 134% dự toán. Thuế bảo vệ môi trường 1.430,7 tỷ đồng, bằng 124% dự toán năm... Các lĩnh vực thu phí, lệ phí đạt 71% dự toán và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 78% dự toán, dự kiến khó có khả năng hoàn thành dự toán năm.
Cục Hải quan Thanh Hóa thông tin tổng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 14.952 tỷ đồng, đạt 136% dự toán và bằng 160% so với cùng kỳ; ước thực hiện cả năm 17.727 tỷ đồng, đạt 161% dự toán và bằng 165% so với cùng kỳ. Nguồn thu chủ yếu là từ thuế nhập khẩu dầu thô của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; thu từ dầu thô tính đến ngày 14/9/2022 là 11.732 tỷ đồng/25 chuyến tàu, trung bình mỗi chuyến thu 469,3 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ riêng khoản thu từ đất và dầu thô đạt 22.335 tỷ đồng, chiếm 56,7% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh trong 9 tháng.
Năm tài khóa 2022, Thanh Hóa chắc chắn sẽ đạt mức thu ngân sách cao nhất từ trước tới nay. Trong 5 năm qua, thu ngân sách trên địa bàn Thanh Hóa liên tục có sự tăng trưởng ấn tượng. Năm 2017, Thanh Hóa thu ngân sách hơn 13.114 tỷ đồng. Đến năm 2018, mức thu ngân sách có bước nhảy vọt lên hơn 23.276 tỷ đồng.
Năm 2019, tỉnh này thu 27.359 tỷ đồng. Năm 2020, mặc dù đại dịch Covid hoành hành nhưng Thanh Hóa vẫn có bước tăng trưởng tốt, thu ngân sách đạt xấp xỉ 29.000 tỷ đồng. Năm 2021, một năm đặc biệt khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng Thanh Hóa đã đạt mức thu ngân sách ấn tượng là 36.500 tỷ đồng. Sang năm 2022, tổng thu ngân sách 9 tháng tỉnh này ước đạt 39.325 tỷ đồng, bằng 133% dự toán năm, tăng 56% so với cùng kỳ và đạt cao nhất từ trước đến nay.
Theo một số chuyên gia nhận định, nếu như tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, thị trường bất động sản ấm trở lại và giá dầu thế giới tiếp tục ở mức cao thì Thanh Hóa có thể gia nhập nhóm các địa phương thu ngân sách 50.000 tỷ đồng ngay trong năm 2022.
Tính đến hết năm 2021, cả nước hiện có 6 địa phương đã gia nhập nhóm các tỉnh có mức thu ngân sách 50.000 tỷ đồng (CLB 50.000 tỷ đồng). Trong đó dẫn đầu là TP.HCM thu ngân sách hơn 381.000 tỷ đồng, Hà Nội có tổng thu ngân sách nhà nước là 265.755 tỷ đồng.
Đứng thứ 3 là Hải Phòng có số thu ngân sách 95,5 nghìn tỷ đồng. Xếp tiếp theo sau là Bà Rịa – Vũng Tàu; Đồng Nai, Bình Dương với số thu lần lượt là 75.000 tỷ đồng; 63.000 tỷ đồng và 62.000 tỷ đồng. Quảng Ninh và Thanh Hóa là 2 địa phương có khả năng sớm gia nhập CLB 50.000 tỷ đồng khi lần lượt xếp ở vị trí thứ 7 và thứ 8.