January 18, 2024 | 14:35 GMT+7

Thanh Hóa huy động gần 5.500 tỷ xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Thuấn -

Năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa có thêm 1 đơn vị cấp huyện; 14 xã và 17 thôn miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa đạt gần 5.500 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách nhà nước trực tiếp cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là hơn 2.716 tỷ đồng, chiếm 49,5%, gồm: Ngân sách trung ương gần 636 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 150 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 1.000 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 921 tỷ đồng. Vốn lồng ghép là hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm 19,2%; vốn tín dụng hơn 712 tỷ đồng, chiếm 13,0%; vốn doanh nghiệp, Hợp tác xã gần 76 tỷ đồng, chiếm 1,4%; vốn huy động từ cộng đồng dân cư hơn 928 tỷ đồng, chiếm 16,9%. 

Theo số liệu từ các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh này có thêm 1 đơn vị cấp huyện là Thị xã Bỉm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 100% kế hoạch); 14 xã (đạt 82,3% kế hoạch) và 17 thôn miền núi (đạt 34% kế hoạch) đạt chuẩn nông thôn mới; 33 xã (đạt 150% kế hoạch) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7 xã (đạt 87,5% kế hoạch) và 104 thôn bản (đạt 148,6% kế hoạch) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 172 sản phẩm OCOP được công nhận (đạt 143,3% kế hoạch).

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 100% kế hoạch); có 360 xã (đạt 97,48% kế hoạch) và 717 thôn/bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 90 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 123,13% kế hoạch); 16 xã (đạt 96,52% kế hoạch) và 411 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 464 sản phẩm OCOP được công nhận. Bình quân toàn tỉnh Thanh Hóa đạt 16,85 tiêu chí/xã.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa còn một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn chênh lệch khá lớn, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh đạt 78,06%, trong đó, vùng đồng bằng đã đạt trên 98%, miền núi mới đạt 41,1%. Tỉnh này còn tới 94% (99/105 xã) số xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới tập trung ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc khả năng hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2023 và các năm tiếp theo.

Mặc dù, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023 đạt cơ bản, tuy nhiên, một số huyện chưa hoàn thành chỉ tiêu được giao, khi có 9 huyện chưa đạt chỉ tiêu xã nông thôn mới; 3 huyện chưa đạt chỉ tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu; 5 huyện chưa đạt chỉ tiêu sản phẩm OCOP.

Một số địa phương tại tỉnh Thanh Hóa sau khi được công nhận thì việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới (ở các mức độ đạt chuẩn và nâng cao), chưa được quan tâm đúng mức, kết quả đạt được còn hạn chế; cá biệt có huyện sau 3 năm đạt chuẩn nông thôn mới chưa có thêm xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Sản phẩm OCOP được công nhận vượt kế hoạch được giao, tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu là 3 sao, sản phẩm đạt 4 sao của Thanh Hóa còn ít, trong năm chưa có sản phẩm 5 sao. Việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực và công tác bảo vệ môi trường nông thôn gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023, tình hình chưa được cải thiện nhiều.

Ngoài ra việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, còn gặp khó khăn như một số nội dung, tiêu chí nông thôn mới ở các mức độ và cấp độ yêu cầu cao, cần có thời gian, lộ trình và kinh phí lớn để thực hiện, như: tiêu chí số 2 về giao thông, các tuyến đường huyện phải đạt 100% chuẩn theo quy hoạch; bến xe khách tại trung tâm huyện nếu có theo quy hoạch phải đạt tiêu chuẩn loại IV trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, bao gồm hộ nghèo và cận nghèo. Tiếp đến, là thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực; vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của xã được cấp mã vùng; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước sạch tập trung đối với các xã miền núi; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng; hình thức thu gom xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt; mô hình xử lý nước mặt; tỷ lệ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 1 huyện, 19 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện và 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10 xã và 30 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền công nhận.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate