September 30, 2023 | 19:27 GMT+7

Thanh Hóa, Nghệ An khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra

Nguyễn Thuấn -

Lực lượng chức năng hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đang khẩn trương rà soát, tổ chức sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói...

Đồn Biên phòng Pù Nhi (Thanh Hóa) cử cán bộ chiến sỹ giúp sơ tán, khắc phục nhà ở cho hai hộ dân tại bản Cơm (xã Phù Nhi) bị sạt lở đất vào nhà sáng 29/9
Đồn Biên phòng Pù Nhi (Thanh Hóa) cử cán bộ chiến sỹ giúp sơ tán, khắc phục nhà ở cho hai hộ dân tại bản Cơm (xã Phù Nhi) bị sạt lở đất vào nhà sáng 29/9

Ngày 29/9, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công điện số 11 gửi Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Theo nội dung công văn, từ ngày 25/9 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa lớn diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 220÷260 mm. Mưa lớn đã gây ra một đợt lũ trên các tuyến sông, mực nước sông Yên tại Trạm thủy văn Chuối (huyện Nông Cống) đã đạt và vượt mức Báo động II, mực nước sông Bưởi tại Trạm thủy văn Kim Tân (huyện Thạch Thành), mực nước sông Cầu Chày tại Trạm thủy văn Xuân Vinh (huyện Thọ Xuân) đã đạt và vượt mức báo động I; làm ngập úng một số diện tích sản xuất nông nghiệp, khu đô thị; sạt lở một số tuyến đường giao thông, bờ bãi sông và một số thiệt hại khác; đặc biệt, trên địa bàn các huyện Như Xuân, Quan Sơn, Bá Thước đã xảy ra 3 vụ người dân bị lũ cuốn trôi.

Trong những ngày tới, dự báo có thể tiếp tục còn xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, bởi vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, tổ chức sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét; tuyệt đối không để xảy ra chết người.

Kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói. Đồng thời, tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn; quản lý chặt chẽ không để người dân đi đánh cá, vớt củi,... trên các sông, suối khi đang có lũ; có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh tại các khu vực bị ngập lụt.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, cơ sở hạ tầng đang trong quá trình thi công, đê điều, hồ đập, nhất là các trọng điểm xung yếu, đang có nguy cơ mất an toàn.

Lực lượng Công an Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị các vật tư phòng, chống lũ, lụt theo phương châm “4 tại chỗ”
Lực lượng Công an Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị các vật tư phòng, chống lũ, lụt theo phương châm “4 tại chỗ”

Kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả thiên tai và tổ chức tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Riêng huyện Quan Sơn khẩn trương tổ chức tìm kiếm 1 người dân đã bị lũ cuốn trôi, thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (qua các Văn phòng thường trực) theo quy định.

Tính đến sáng 29/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 3 người bị mất tích ở huyện Như Xuân, Quan Sơn, Bá Thước; mưa lớn đã gây sạt taluy dương tại 3 vị trí trên tuyến Quốc lộ 15C và 217; hàng trăm hộ dân và hàng nghìn ha lúa, cây rau màu khác bị ngập cục bộ…

Tại tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng vừa ban hành Công điện 28/CĐ-UBND chỉ đạo tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh, không để người dân nào bị đói, không để xảy ra chết người và dịch bệnh sau lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo tiếp tục rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, không để xảy ra chết người.

Đồng thời hỗ trợ, thăm hỏi kịp thời, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình chính sách, hộ gia đình khó khăn; đặc biệt, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói.

Kịp thời bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do mưa lũ; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.

Công an tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 1.700 cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn, cơ sở, thường trực tại các điểm sạt lở, ngập sâu giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ và ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra
Công an tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 1.700 cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn, cơ sở, thường trực tại các điểm sạt lở, ngập sâu giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ và ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra

Các địa phương phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi… trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng ngập lũ, hạ du các hồ đập; có phương án bảo đảm an toàn cho học sinh tại các khu vực bị ngập lụt.

Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn các cơ sở hạ tầng đang trong quá trình thi công, đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu. Có phương án cụ thể, sẵn sàng lực lượng để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Theo số liệu của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, do ảnh hưởng của mưa lớn, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 2.200 ngôi nhà bị ngập, trong đó huyện Quỳ Châu 1214 nhà, Quế Phong 215 nhà, huyện Quỳ Hợp 185 nhà, Tân Kỳ 401 nhà…Số nhà bị cô lập là 973 nhà trong đó huyện Kỳ Sơn 927 nhà, Quỳ Hợp 46 nhà, có 10 nhà dân tại Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương bị sập hoàn toàn.

Ngoài ra, có hơn 2.400 ha, 4000 ha cây hoa màu thị ngập, úng, gần 20 ngàn con súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Cũng do ảnh hưởng mưa lũ, tại Quỳ Châu có 1 người đàn ông bị mất tích, đến 12h trưa ngày 29/9 đã được tìm thấy, thi thể được xác định là ông Lữ Văn Khuyên (70 tuổi) trú bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến mất tích từ 4h sáng ngày 28/9.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate