Thực hiện Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị “Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 134-KH/TU về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa nêu rõ đối với những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
PHẠM VI LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM GỒM NHỮNG VỊ TRÍ NÀO?
Đối với cấp tỉnh, phạm vi lấy phiếu tín nhiệm, gồm: Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; Trưởng các ban của HĐND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh; cấp trưởng, cấp phó các ban xây dựng Đảng, Ủy ban Kiểm tra và Văn phòng Tỉnh ủy; cấp trưởng, cấp phó các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và tương đương cấp tỉnh; cấp trưởng, cấp phó các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Đối với cấp huyện phạm vi lấy phiếu tín nhiệm gồm: Bí thư, phó bí thư huyện, thị, thành ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố; Trưởng các ban của HĐND, các thành viên UBND huyện, thị xã, thành phố.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với mỗi chức danh cán bộ (kể cả trường hợp 01 người giữ nhiều chức danh) tối đa ở 02 nơi, theo thứ tự là: Trong cấp ủy cấp cao nhất (cán bộ là ủy viên ban thường vụ cấp ủy), HĐND (cán bộ thuộc diện theo quy định của Quốc hội), hoặc nơi cán bộ đang công tác (đối với các trường hợp cán bộ còn lại).
Đối với cán bộ là Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên ban thường vụ huyện, thị, thành ủy, đồng thời là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND; trưởng ban Đảng, trưởng ban HĐND cùng cấp thì lấy phiếu ở 02 nơi là: Trong ban chấp hành đảng bộ cùng cấp và trong HĐND cùng cấp.
Cán bộ đã có thông báo chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu thì không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.
SẼ MIỄN NHIỆM NHỮNG CÁN BỘ LÃNH ĐẠO CÓ TÍN NHIỆM THẤP
Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp), cụ thể như sau: (i) Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo quy định của Quốc hội; (ii) Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp ủy các cấp tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND các cấp bầu; dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2023; (iii) Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm 2023; dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2023.
Các tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm, gồm: (i) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; (ii) Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu).
Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Đối với những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.
Đối với những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ở 2 nơi thì việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi.