February 24, 2023 | 09:42 GMT+7

Thanh Hóa siết chặt quản lý, ngăn chặn thất thu ngân sách

Xuân Thiên -

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Cục Thuế tỉnh cần triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thuế, chống thất thu ngân sách, đặc biệt là trong một số lĩnh vực nhạy cảm, có rủi ro cao về thuế như khai thác khoáng sản, đất đai, kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, môi trường...

Khai thác khoáng sản là hoạt động nhạy cảm, dễ dẫn đến thất thu ngân sách
Khai thác khoáng sản là hoạt động nhạy cảm, dễ dẫn đến thất thu ngân sách

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 1807 về việc tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách nhà nước năm 2023.

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ THUẾ

Theo nội dung công văn trên, để hoàn thành mục tiêu dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 của tỉnh, quyết tâm phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt cao hơn năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường cải cách hành chính theo hướng hiện đại hóa, chủ động, tích cực hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người nộp thuế...

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tập trung mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách.

Đặc biệt là trong một số lĩnh vực nhạy cảm, có rủi ro cao về thuế như: khai thác khoáng sản; đất đai, kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; môi trường; vận tải; thương mại điện tử; hộ kinh doanh cá thể; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh...

Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa cần tăng cường công tác quản lý và hỗ trợ người nộp thuế trong việc sử dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch, phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để nhanh chóng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn tỉnh; tham mưu triển khai thí điểm hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền tại một số địa phương trong tỉnh nếu đảm bảo điều kiện.

TỔNG THU NỘI ĐỊA ƯỚC ĐẠT 4.462 TỶ 2 THÁNG ĐẦU NĂM

Theo báo cáo của Cục Thuế Thanh Hóa, thu thuế nội địa tháng 02/2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.906 tỷ đồng, bằng 8,7% dự toán năm và bằng 81,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 02 tháng đầu năm 2023, tổng thu thuế nội địa trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.462 tỷ đồng, bằng 20,4% dự toán năm và bằng 84,4% so với cùng kỳ; cụ thể một số khoản thu, sắc thuế chủ yếu như sau:

Một là khối doanh nghiệp nhà nước ước thu 245 tỷ đồng, bằng 14,9% dự toán và bằng 73,3% so với cùng kỳ, trong đó: Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thanh Hóa nộp 94,5 tỷ đồng, bằng 101,9% so với cùng kỳ; Công ty Cổ phần Bia Thanh Hóa nộp 24,6 tỷ đồng, bằng 75% so với cùng kỳ.

Hai là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước thu 1.462 tỷ đồng, bằng 33,6% dự toán và bằng 106,9% so với cùng kỳ; trong đó: Công ty TNHH Lọc dầu Nghi Sơn nộp 1.170 tỷ đồng, bằng 31,9% dự toán và bằng 96,2% so với cùng kỳ.

Ba là khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước thu 791 tỷ đồng, bằng 30,2% dự toán và bằng 143,1% so với cùng kỳ.

Tiếp đến là thuế thu nhập cá nhân ước thu 196 tỷ đồng, bằng 17,8% dự toán và bằng 89,5% so với cùng kỳ. Lệ phí trước bạ ước thu 156 tỷ đồng, bằng 16% dự toán và bằng 95,1% so với cùng kỳ. Thuế bảo vệ môi trường ước thu 173 tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán và bằng 45,9% so với cùng kỳ.

Thu tiền sử dụng đất là 1.154 tỷ đồng, bằng 16,3% dự toán và bằng 61,2% so với cùng kỳ. Thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước 58,6 tỷ đồng, bằng 10,7% dự toán và bằng 32% so với cùng kỳ.

Năm 2022, Thanh Hóa thu ngân sách đạt trên 50.000, cao nhất kể từ trước đến nay. Tuy nhiên, năm 2023, tỉnh này lên kế hoạch thu ngân sách chỉ ở mức 35.430 tỷ đồng, bằng 70% thực hiện năm liền trước. Trong đó thu nội địa là 21.840 tỷ đồng. Thu từ đất là 7.100 tỷ đồng; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 23 tỷ đồng; thu nội địa khác là 14.717 tỷ đồng.

Một số khoản thu nội địa lớn có thể kể đến như sau: Thu từ doanh nghiệp có vốn nhà nước trung ương đóng trên địa bàn là 1680 tỷ đồng; thu từ doanh nghiệp FDI là 4350 tỷ đồng; thu từ khu vực kinh tế tư nhân là 2662 tỷ đồng; thu từ thuế bảo vệ môi trường là 1950 tỷ đồng; thu từ lệ phí trước bạ là 980 tỷ đồng; thu thuế thu nhập cá nhân là 1100 tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate