November 17, 2022 | 19:59 GMT+7

Thanh Hóa thu hút hơn 36.000 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Thanh Hóa thu hút được 212 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 36.000 tỷ đồng, trong đó có 07 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng…

- Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đến thăm mô hình nông trại dưa công nghệ cao tại huyện Thiệu Hóa
- Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đến thăm mô hình nông trại dưa công nghệ cao tại huyện Thiệu Hóa

Là địa phương có đầy đủ các đặc điểm địa hình miền núi, trung du, đồng bằng, chính là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa phát triển các lĩnh vực sản xuất: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.

Với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, nguồn lao động dồi dào, cùng với những chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, trở thành lợi thế của tỉnh này cho phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại.

Theo thông tin từ văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 212 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 36.000 tỷ đồng, trong đó có 07 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư gần 3.900 tỷ đồng.

Năm 2021 và 10 tháng năm 2022, toàn tỉnh Thanh Hóa thu hút được 36 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng mức đầu tư 15.912 tỷ đồng, trong đó có 04 dự án lớn của Tập đoàn Xuân Thiện, vốn đầu tư mỗi dự án là 2.500 tỷ đồng, hiện nay, các dự án đang được doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai, giải phóng mặt bằng,... để triển khai thực hiện.

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư và đăng ký đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và môi trường đầu tư tỉnh Thanh Hóa.

Đến nay, Thanh Hóa đã phát triển được hơn 1.200 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư dự án, mở chi nhánh tại Thanh Hóa như: Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Công Ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH nông nghiệp GOLDEN GOAT, Tập đoàn Mavin, Công ty TNHH Newhope… Có một số doanh nghiệp chăn nuôi gắn với nhà máy chế biến, giết mổ lớn như: Tập đoàn Vinamilk, Tập đoàn TH Truemilk, Tập đoàn Xuân Thiện, Tập đoàn Hoà Phát, Công ty Phú Gia…  

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp được thành lập mới. Ngoài các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, đã có thêm các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến.

Trong quá trình thực hiện định hướng, lộ trình phát triển, tỉnh Thanh Hóa luôn dành cho nông nghiệp sự quan tâm đặc biệt. Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành nhiều chương trình liên quan đến phát triển nông nghiệp. Đồng thời, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành và thực hiện nhiều chính sách phát triển nông nghiệp. Gầy đây nhất, giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai thực hiện gần 20 chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao phủ hầu hết các lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi đến thủy sản, lâm nghiệp, và xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, là chính sách tín dụng, vốn cấp bù lãi suất và mức vốn sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, giai đoạn này, tỉnh Thanh Hóa đã dành hơn 1.500 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã quyết định ban hành chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 đến 2025, với mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét về quy mô năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh về nông, lâm, thủy sản; mở rộng các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có tiềm năng theo chuỗi giá trị. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn công nghệ cao, một số sản phẩm có lợi thế xây dựng được thương hiệu mạnh.

Hàng năm, Thanh Hóa rà soát, bổ sung, điều chỉnh vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng từng vùng để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp, có chính sách riêng cho doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản và doanh nghiệp bao tiêu nông sản cho nông dân. Đồng thời, triển khai hiệu quả Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên thu hút đầu tư của doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị đồng bộ đối với sản phẩm có lợi thế của địa phương, gắn với vùng nguyên liệu.

Cùng với những điều kiện thuận lợi như hệ thống giao thông thuận lợi và đa dạng, diện tích tự nhiên lớn, nguồn nhân lực dồi dào,.. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư và đăng ký đầu tư, khởi công dự án đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và môi trường đầu tư tỉnh Thanh Hóa.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate