Trong tháng 7/2023, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tiếp và làm việc với Đại sứ Cộng hòa Phần Lan, Tập đoàn Novatek (Liên bang Nga) để giới thiệu cơ hội đầu tư vào tỉnh, ký kết ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) về việc nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa.
Cũng trong tháng 7, tỉnh này đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 01 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1.854 tỷ đồng và 3 triệu USD; lũy kế 7 tháng năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 56 dự án đầu tư trực tiếp, gồm: 30 dự án đầu tư trực tiếp trong nước, 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 16 dự án có sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 25.482 tỷ đồng và gần 135 triệu USD.
Thanh Hóa thành lập mới 107 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 750,7 tỷ đồng trong tháng 7, giảm 31,4% về số doanh nghiệp và giảm 69,1% về vốn so với cùng kỳ năm 2022; có 40 doanh nghiệp hoạt động trở lại (giảm 21,6% so với cùng kỳ); 46 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tương đương so với cùng kỳ). Lũy kế 7 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 1.531 doanh nghiệp thành lập mới, đứng thứ 8 cả nước, bằng 51% kế hoạch và giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Thanh Hóa, thì giá trị giải ngân vốn tư công đến ngày 18/7/2023 đạt hơn 6.047 tỷ đồng, bằng 41,9% kế hoạch.
Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều tín hiệu tích cực. Trong tháng 7, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng hơn 12% so với tháng cùng kỳ năm 2022, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 10,42%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,52%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 89,23%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,46%. Tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 7,74% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng, đa số các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh Thanh Hóa đều tăng so với tháng cùng kỳ năm 2022, trong đó một số tăng mạnh như: clinker xi măng 370,4 nghìn tấn, gấp 2,79 lần; điện sản xuất đạt 943 triệu kwh, gấp 2,47 lần; sắt thép các loại đạt 189 nghìn tấn, tăng 86,1%; benzen 12.788 tấn, tăng 17,2%; thức ăn gia súc 17.229 tấn, tăng 13,6%; dầu nhiên liệu 449,9 ngìn tấn, tăng 12,6%…
Bên cạnh đó, một số sản phẩm có sản lượng giảm so với cùng kỳ như: bia giảm 11,3%; gạch xây giảm 10,7%; thuốc lá giảm 5,2%,... Một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: may mặc, giày da, xi măng,... mặc dù sản lượng tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng vẫn đối mặt với các khó khăn về thị trường xuất khẩu, tiêu thụ và nguyên, vật liệu đầu vào; chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước giảm 7,07%, trong khi chỉ số tồn kho tăng 28,90% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng điện thương phẩm tháng 7 ước đạt 710 triệu kWh, tăng 10,2% so với cùng kỳ.
Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh này trong tháng 7 ước tăng 2,12% so với tháng trước, giảm 9,31% so với cùng kỳ năm 2022; tính chung từ đầu năm đến nay, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 11,64% so với cùng kỳ; nguyên nhân chủ yếu là lĩnh vực dệt may, giày da chưa hoàn toàn khôi phục các thị trường xuất khẩu.