January 19, 2023 | 15:19 GMT+7

Thanh Hóa và hành trình trở thành cực tăng trưởng mới

Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng, người đông, khu vực miền núi rộng lớn nhưng khó khăn, có xuất phát điểm thấp. Kinh tế từ chỗ nhỏ lẻ, chưa có tính liên kết, không khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh vốn có, thì nay đã có bước phát triển vượt bậc...

Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa.
Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa.

Quy mô kinh tế của Thanh Hóa hiện xếp thứ 8, thu ngân sách đứng trong top 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước... Trước thềm Xuân Quý Mão, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, về bước phát triển đột phá của địa phương...

ĐI LÊN TỪ GIAN KHÓ

Trước đây, mỗi khi nhắc về Thanh Hóa, nhiều người thường nghĩ đây là một địa phương có nền kinh tế còn khó khăn, người dân còn nhiều lam lũ, vất vả. Tuy nhiên, Thanh Hóa hiện đang vững vàng trên hành trình trở thành một cực tăng trưởng mới, một tỉnh “kiểu mẫu” trong thời đại mới. Vậy, nhờ đâu mà Thanh Hóa đạt được kỳ tích ngoạn mục như vậy, thưa ông?

Tỉnh Thanh mới đây thôi còn là gánh nặng của ngân sách quốc gia. Thu ngân sách trên địa bàn cả tỉnh chỉ đảm bảo vài chục phần trăm số chi thường xuyên, còn phần đa phải nhờ trung ương bao cấp; tỷ lệ hộ nghèo thuộc nhóm cao nhất cả nước; tốc độ phát triển chậm chạp.

Tuy nhiên, Thanh Hóa đã đi lên bằng chính nội lực của mình. Năm 2022 vừa qua,  thu ngân sách của tỉnh đạt 51.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, mức thu này gấp 3,9 lần năm 2015 và gấp 6,5 lần năm 2010; đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu ngân sách nhà nước.

Kết quả trên là thành tựu của thời gian dài tỉnh Thanh Hóa đã kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút dự án đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu của tỉnh.

Đồng thời, kết quả trên cũng cho thấy: quy mô kinh tế của tỉnh ngày càng được mở rộng và tăng trưởng nhanh; hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, huy động các nguồn lực cho phát triển trên địa bàn tỉnh được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước đạt 12,51%, đứng thứ 7 của cả nước; cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, có trên 3.600 doanh nghiệp được thành lập mới, vượt 20% so với kế hoạch, đứng thứ 6 cả nước.

Theo mục tiêu Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thì tỉnh Thanh Hóa sẽ trở thành trung tâm lớn về năng lượng và công nghiệp chế biến chế tạo của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

TĂNG CƯỜNG THU HÚT FDI

Mặc dù Thanh Hóa vẫn là địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút vốn FDI nhưng những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đang có dấu hiệu chậm lại trong cuộc đua thu hút vốn ngoại. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến Thanh Hóa chưa đạt được kết quả cao trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài?

Có nhiều nguyên nhân khiến Thanh Hóa chưa đạt kết quả cao trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.  Nguyên nhân khách quan đó là diễn biến dịch Covid-19, tình hình kinh tế, chính trị thế giới trong năm 2022 có nhiều biến động, khó lường, làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư trong ngắn hạn, nhiều nhà đầu tư có xu hướng rút dòng vốn đầu tư về nước và thu hẹp đầu tư, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào nước ta nói chung và Thanh Hóa nói riêng. 

Nhiều quy định giữa pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, đấu thầu còn có sự bất cập, chồng chéo, chưa được điều chỉnh, giải quyết triệt để; nhiều văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, ảnh hưởng đến việc kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư.

Nguyên nhân chủ quan đó là trên địa bàn tỉnh hiện thiếu các “mặt bằng sạch” để sẵn sàng thu hút đầu tư. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất chậm, do đó, chưa có đủ điều kiện về hạ tầng để sẵn sàng thu hút đầu tư.

Công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh còn thụ động; nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư mới dừng lại ở khâu tiếp xúc, giới thiệu mà chưa làm cho nhà đầu tư thấy rõ tiềm năng, lợi thế và lợi ích kinh tế mang lại cho họ khi đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được chấp thuận; đồng thời, xây dựng Đề án giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI.

Năm 2023 được xem là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, từng bước đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc theo Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Xin ông cho biết những mục tiêu và giải pháp chính để Thanh Hóa tiếp tục vững vàng trên hành trình vươn tới khát vọng thịnh vượng

Năm 2023 là năm có vai trò, ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, xây dựng Thành Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tỉnh Thanh Hóa xác định mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế năm 2023 là: tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11% trở lên; thu ngân sách nhà nước đạt 35.340 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu 5.500 triệu USD; thành lập mới doanh nghiệp đạt 3.000 doanh nghiệp trở lên...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thanh Hóa và hành trình trở thành cực tăng trưởng mới - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate