July 04, 2025 | 14:28 GMT+7

Thanh Hóa xử lý hơn 1.100 vụ buôn lậu, gian lận thương mại

Thiên Anh -

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, xử lý 1.144 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với tổng số tiền thu nộp ngân sách đạt hơn 156 tỷ đồng...

Lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng Tùng Moscow kinh doanh hàng trăm sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu thời điểm cuối tháng 5 vừa qua.
Lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng Tùng Moscow kinh doanh hàng trăm sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu thời điểm cuối tháng 5 vừa qua.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 15/6/2025, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 1.144 vụ vi phạm. Trong đó, có 194 vụ bị khởi tố hình sự, 950 vụ xử phạt hành chính.

Tổng số tiền thu nộp ngân sách đạt 156,813 tỷ đồng, bao gồm phạt hành chính 38,886 tỷ đồng, truy thu thuế 117,887 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu 40 triệu đồng và giá trị hàng tịch thu, tiêu hủy là 1,566 tỷ đồng.

Riêng lĩnh vực buôn lậu, hàng cấm có 300 vụ vi phạm bị phát hiện, trong đó 194 vụ chuyển khởi tố, 106 vụ xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt 638 triệu đồng.

Tang vật thu giữ gồm 12.977 gram heroin, 14.287 viên ma túy tổng hợp, 307,63 kg pháo nổ, 5.435 m³ gỗ, 10.520 bao thuốc lá, 7.747 linh kiện điện thoại, 20.999 đơn vị thực phẩm đóng gói, 1.175 đơn vị mỹ phẩm, 83 máy hút thuốc lá điện tử…

Trong lĩnh vực gian lận thương mại, các lực lượng chức năng đã xử lý 1.245 vụ, xử phạt tổng cộng 36,297 tỷ đồng. Các hành vi chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm nhãn hàng hóa, giá bán, chất lượng và hóa đơn bất hợp pháp, bao gồm cả hoạt động bán hàng đa cấp không phép.

Về hàng giả, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 67 vụ, trong đó có 7 vụ chuyển cơ quan điều tra, 161 vụ xử lý hành chính, phạt tiền 951 triệu đồng.

Hàng hóa vi phạm gồm 1.130 linh kiện điện thoại, 2.417 đôi giày dép, 845 hộp mỹ phẩm, 628 kính mắt, 2.900 cây bút, 30 đệm nhái nhãn hiệu Everon và 30.000 hộp thuốc, thực phẩm chức năng giả.

Ngoài ra, 51 vụ vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh đã bị xử lý với tổng số tiền phạt 407 triệu đồng.

Công tác kiểm tra giá, chống đầu cơ, găm hàng xử lý 7 vụ, xử phạt 6 triệu đồng. Kiểm soát an toàn thực phẩm ghi nhận 115 vụ vi phạm, xử phạt 438 triệu đồng. Trong lĩnh vực thuế, xử lý 388 vụ, xử phạt 33,961 tỷ đồng, truy thu thuế 117,887 tỷ đồng.

Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng được đẩy mạnh. Các lực lượng chức năng phối hợp với cơ quan báo chí, phát thanh – truyền hình, tổ chức hội nghị, phát tờ rơi và tuyên truyền lưu động tại các khu vực đông dân cư.

Các vụ việc điển hình và thủ đoạn mới của đối tượng vi phạm được công khai, giúp nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như một số ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, sự phối hợp giữa các lực lượng còn thiếu chặt chẽ.

Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống pháp luật chưa được cập nhật kịp thời, cán bộ làm công tác kiêm nhiệm nhiều việc, thiếu thiết bị chuyên dụng, trong khi nhận thức pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp và người dân còn thấp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate