Tổng vay nợ của 20 công ty chứng khoán có số dư cho vay margin lớn trên thị trường đến cuối quý 3/2020 đã lên đến 65,4 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 19,8% so với đầu năm và tăng 12,2% so với cuối quý 2/2020.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một quý 3 đầy biến động và phục hồi tích cực trên diện rộng, với chỉ số Vn-Index chốt phiên 30/09/2020 ở mức 905,21 điểm, tương đương tăng 9,71% trong quý 3/2020.
Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể với giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE đạt 4.535 tỷ đồng/phiên, tăng 4,2% so với quý 2/2020 và tăng 56% so với cùng kỳ năm 2019. Đây có thể xem là mức thanh khoản cao nhất kể từ khi thị trường bùng nổ vào quý 1/2018 đến nay.
Câu hỏi đặt ra rằng có hay không luồng tiền mới mạnh đã đổ vào thị trường chứng khoán trong quý 3/2020?
TĂNG TRƯỞNG VAY NỢ NHANH HƠN CHO VAY KHÁCH HÀNG
Dòng tiền margin từ các công ty chứng khoán được xem là một luồng tiền quan trọng nâng đở thị trường trong mọi hoàn cảnh. Thống kê báo cáo tài chính 20 công ty chứng khoán có dư nợ cho vay khách hàng (trong đó cho vay margin chiếm khoảng 95% tổng dư nợ) cho thấy, dư nợ cho vay khách hàng đến cuối quý 3 đạt 57,6 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 13,4% so với cuối năm 2019 và tăng 20,7% so với cuối quý 2/2020.
Nguồn tài trợ cho vay của các công ty chứng khoán ngoài vốn chủ sở hữu phần còn lại đến chủ yếu từ nguồn vốn vay các ngân hàng, phát hành trái phiếu ngắn và dài hạn. Cụ thể, tổng vay nợ của 20 công ty chứng khoán nói trên đến cuối quý 3/2020 đã lên đến 65,4 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 19,8% so với đầu năm và tăng 12,2% so với cuối quý 2/2020. Trong đó, vay ngắn hạn của các ngân hàng chiếm áp đảo, khoảng 88% tổng vay nợ, tăng bình quân 29% trong 9 tháng đầu năm 2020.
Top các công ty chứng khoán có tốc độ vay nợ tăng nhanh gồm: ACBS (+144%), Vietinbank securities (+82%), HSC (+64%), FPTS (+62%), SHS (+55%), MBS (+40%), Mirae Asset (+39%)… Ngoại trừ SHS có tổng vay nợ tăng do tăng giá trị trái phiếu ngắn hạn, Mirae Asset vay nợ nước ngoài, các công ty còn lại trong nhóm này tăng nợ chủ yếu tăng vay nợ các ngân hàng trong nước và Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Xét về quy mô vay nợ lớn, dẫn đầu là SSI với số dư hơn 16.441 tỷ đồng (-1% so với đầu năm), VnDirect với 9.332 tỷ đồng (+22%), VPS Securities 7.904 tỷ đồng (+32%); Mirae Asset 4.947 tỷ đồng (+39%), KB Securities 4.509 tỷ đồng (+37%).
Trong khi đó, về doanh số giao dịch vay trả trong kỳ của các công ty chứng khoán với các ngân hàng lớn gấp nhiều lần so với số dư vay nợ cuối kỳ. Như phát sinh vay trong kỳ của VNDS là 87.437 tỷ đồng (gấp hơn 9 lần tổng nợ vay cuối kỳ), VCBS là 48.287 tỷ đồng (gấp 27 lần), HSC là 19.724 tỷ đồng (gấp 5 lần) và Mirae Asset là 12.759 tỷ đồng (gấp 2,6 lần).
CẢ NGÂN HÀNG TRONG NƯỚC VÀ NƯỚC NGOÀI TÀI TRỢ VỐN
Ngoài các công ty chứng khoán như Mirae Asset, KIS, MBKE có công ty mẹ và các tổ chức tài chính nước ngoài liên quan tài trợ vốn, các công ty chứng khoán (bao gồm cả nội lẫn ngoại) đều được các ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoại tại Việt Nam tài trợ vốn vay trong kỳ hoạt động lẫn vay có kỳ hạn.
Các tổ chức tín dụng trong nước tài trợ vốn mạnh cho các công ty chứng khoán phải kể đến Vietcombank (tài trợ vốn cho SSI, KIS, MBS, ACBS, KB Securities, FPTS…), BIDV( tài trợ vốn cho SSI, KIS, BVSC, VCBS,…), Ngân hàng MSB (tài trợ vốn cho MBS, KB Securities, FPTS, BVSC,…), VPBank, Tienphong Bank, ABBANK, VIB, …Trong đó, VPBank tài trợ khá mạnh cho các khoản vay phát sinh và trả trong kỳ của TCBS.
Các tổ chức tài chính nước ngoài bao gồm cả chi nhánh hoạt động tại Việt Nam tài trợ vốn cho các công ty chứng khoán gồm: Sinopac (tài trợ cho SSI), WooriBank (tài trợ MBS, ACB, KB Securities, FPTS…), Kookmin Bank (tài trợ cho KB Securities), CTBC (tài trợ cho MBS, VCBS, TCBS…), Indoviabank (tài trợ vốn cho KB Securities, MBS, BVSC, TCBS, VCBS,..), SMBC – Singapore, ShinhanBank…
CÓ LUỒNG TIỀN MỚI?
Mặc dù nhà đầu tư đã tăng mở tài khoản trong tháng 9, tuy nhiên, tính chung quý 3/2020 số lượng tài khoản mở mới (hơn 87,6 nghìn tài khoản) vẫn thấp hơn số lượng tài khoản mở mới trong quý 2/2020 (hơn 106 nghìn tài khoản). Điều này phản ánh chắc chắn có luồng tiền mới tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, rất khó kết luận về mức độ tác động của nhóm nhà đầu tư mới nói trên đến thanh khoản của thị trường trong quý 3/2020.
Trong khi đó, quý 3/2020, khối ngoại đã bán ròng 2.100 tỷ đồng trên HoSE, nếu loại giao dịch mua thoả thuận VHM khối ngoại đã bán ròng hơn 7.000 tỷ đồng qua khớp lệnh. Trong khi đó, các ngân hàng "hở" room ngoại đã nhanh chóng "chốt" room để phục vụ cho việc chào bán vốn cho các đối tác ngoại thực hiện trong tương lai.
Ngoài ra, số liệu dư nợ cho vay margin, dư nợ vay của các công ty chứng khoán ở cuối kỳ, phát sinh vay nợ và trả nợ trong kỳ cho thấy, dòng tiền vay từ các ngân hàng đóng vai trò không nhỏ trong kết quả giao dịch quý 3/2020 và 9 tháng đầu năm 2020 nói chung.