Thị trường đỏ lửa trong phiên sáng nay nhưng mức giảm ở cổ phiếu lẫn chỉ số không mạnh và thanh khoản sụt giảm tới 41% so với sáng hôm qua. Điều đó cho thấy diễn biến giảm chủ yếu do dòng tiền rút lui.
Tác động xấu nhất lên chỉ số vẫn là nhịp lùi giá của nhiều mã vốn hóa lớn. VN30-Index đang giảm 0,53% với độ rộng chỉ có 6 mã tăng và 22 mã giảm. Midcap giảm 0,34%, Smallcap tăng 0,14%. Độ rộng tổng thể của VN-Index chỉ còn 112 mã tăng/341 mã giảm, chỉ số giảm 0,52% tương đương -5,85 điểm.
Hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh nên sự thận trọng trong giao dịch cơ sở là có thể hiểu được. Tuy nhiên một phần hiệu ứng giảm cũng đến từ nhịp chốt lời chiều qua, khi đà tăng hứng phấn bị chặn lại một cách rõ ràng.
Hiện cả VN-Index lẫn VN30-Index đều đang tạm chốt ở điểm thấp nhất phiên sáng và toàn thời gian không lúc nào các chỉ số này xanh. Không chỉ vậy, diễn biến độ rộng cho thấy xu hướng giảm giá là rất rộng và rất sớm. Khi VN-Index mạnh nhất lúc 10h06 giảm hơn 1 điểm so với tham chiếu, độ rộng cũng chỉ có 156 mã tăng/248 mã giảm.
Điểm có thể xem là tích cực, là tuy 341 cổ phiếu đang đỏ trong VN-Index nhưng cũng chỉ có 57 mã giảm trên 1%. 6 mã trong số này thanh khoản trên 100 tỷ đồng là VIX giảm 1,22% với 250,4 tỷ; SSI giảm 1,25% với 241,3 tỷ; MWG giảm 2,03% với 157,7 tỷ; GEX giảm 1,13% với 133,7 tỷ; DXG giảm 1% với 101,7 tỷ; VHM giảm 1,09% với 100,6 tỷ. Tính chung giao dịch của tổng số cổ phiếu giảm quá 1% chiếm khoảng 32% giá trị khớp lệnh cả sàn HoSE.
Phần lớn cổ phiếu và thanh khoản sáng nay tập trung ở nhóm giảm giá với biên độ hẹp. Nhìn từ góc độ này, áp lực bán là không mạnh. Hiện điểm số cũng đang bị tác động lớn từ nhóm trụ, tiêu biểu là VCB giảm 0,91%, BID giảm 1,25%, GAS giảm 1,12%, VHM giảm 1,09%, VIC giảm 1,1%. 5 cổ phiếu này lấy đi hơn 3,3 điểm khỏi VN-Index trong tổng mức giảm 5,85 điểm. Nói cách khác, hàng trăm cổ phiếu giảm giá còn lại ảnh hưởng rất hạn chế.
Trong số 112 cổ phiếu đi ngược dòng sáng nay, 40 mã tăng trên 1% nhưng cũng không nhiều mã thanh khoản đáng chú ý. Dòng tiền vào yếu, thanh khoản thấp và giá vẫn tăng chủ yếu là nhờ áp lực bán hạn chế ở những mã cụ thể. Một số cổ phiếu tiêu biểu là NVL tăng 1,54% thanh khoản 283,9 tỷ; DGC tăng 1,38% với 167,1 tỷ; EVF tăng 1,68% với 119,4 tỷ; DPM tăng 2,29% với 88,6 tỷ; DCM tăng 2,25% với 86,6 tỷ…
Sự thay đổi đáng chú ý trong phiên này không phải ở diễn biến giảm giá mà ở mức sụt giảm quá lớn của thanh khoản. Tổng giao dịch khớp lệnh hai sàn niêm yết chỉ khoảng 6.248 tỷ đồng, giảm 41% so với sáng hôm qua và ở mức thấp nhất 6 phiên. HoSE giảm 45% với 5.278 tỷ đồng. Đặc biệt dòng tiền vào VN30 cực kém, giảm tới 60%, chỉ đạt gần 1.664 tỷ đồng. Lực đỡ quá yếu trong nhóm blue-chips là lý do khiến thị trường trượt giảm cả buổi sáng và càng lúc càng sâu hơn. Sự sụt giảm thanh khoản ở mức độ như vậy là bất thường, cho thấy việc nhà đầu tư tạm dừng giao dịch hơn là thiếu tiền mặt.
VN30 có liên quan đến phiên đáo hạn phái sinh hôm nay và dù cả phiên chỉ số cơ sở đỏ thì F1 vẫn đang cao hơn. Thông thường trong ngày đáo hạn, chênh lệch sẽ là không đáng kể. Dù vậy với mức thanh khoản quá nhỏ trong rổ VN30 thì các cổ phiếu trụ của chỉ số VN30-Index có thể hoạt động bất thường. Có lẽ đó cũng là lý do các nhà đầu tư phái sinh chấp nhận mức chênh lệch như vậy.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay quay lại bán ròng khoảng 152,6 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung bán nhiều ở VHM -45,9 tỷ, MWG -32,9 tỷ, VRE -32,8 tỷ, VNM -29,2 tỷ. Phía mua ròng duy nhất VIX và SSI là quanh 10 tỷ đồng.