Đợt phục hồi cuối phiên sáng “tắt lịm” nhanh chóng, lý do đơn giản là dòng tiền mua lên quá kém, chủ đạo “rình” giá thấp. Tổng thanh khoản hôm nay lại tụt xuống mức rất thấp, cho thấy lực bán vẫn yếu...
Tính riêng buổi chiều, hai sàn niêm yết khớp lệnh giảm tới 26% so với phiên sáng, chỉ đạt gần 6.429 tỷ đồng. Trong khi đó độ rộng của VN-Index co lại còn 140 mã tăng/301 mã giảm và chỉ số này từ chỗ giảm chưa tới 5 điểm, thành -18,12 điểm.
Nhóm blue-chips lại là các cổ phiếu yếu nhất chiều nay. VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,92%, kết phiên chiều giảm 1,96%. Độ rộng co lại một chút, còn 8 mã tăng/21 mã giảm.
Dù độ rộng này không thay đổi nhiều so với phiên sáng, nhưng có tới 25/30 cổ phiếu của rổ VN30 tụt giá so với phiên sáng. Điều đó có nghĩa là giá đã yếu đi, ngay cả với các cổ phiếu còn tăng.
Lấy ví dụ, GAS đóng cửa trên tham chiếu 1,45%, tức là trả lại thị trường tới hơn 1% so với giá thời điểm cuối phiên sáng. MWG trả lại 0,7%, còn tăng 0,2% so với tham chiếu. PLX mất 0,7%, PNJ mất 1,1%. Chỉ có POW vẫn giữ nguyên giá kịch trần và BVH mạnh lên khoảng 1,12%, đóng cửa tăng 1,45% so với tham chiếu.
Nhóm trụ phục hồi khá cuối phiên sáng và trở lại tham chiếu là VCB, VIC, VHM thì buổi chiều lại suy yếu và rơi xuống vùng đỏ: VIC giảm 0,38%, VHM giảm 0,77%, VCB giảm 1,24%. Các cổ phiếu này gây ảnh hưởng khá lớn, bên cạnh hàng loạt mã trụ lao dốc nặng như VNM giảm 2,29%, TCB giảm 4,55%, MSN giảm 2,5%, VPB giảm 2,45%, CTG giảm 2,7%, ACB giảm 2,91%... Thống kê cho thấy rổ VN30 có tới 15 cổ phiếu đóng cửa dưới tham chiếu hơn 2% giá trị, tức là mạnh hơn mức giảm của chỉ số.
Nguyên nhân khiến nhóm blue-chips tụt giá mạnh buổi chiều là do dòng tiền mua quá kém. Rổ này lại xác lập phiên chiều có thanh khoản thấp kỷ lục, vượt qua con số chiều ngày 28/4 vừa qua, chỉ đạt 1.972,5 tỷ đồng. HPG là cổ phiếu thanh khoản nhất rổ VN30 và cũng là nhất thị trường, nhưng là một trong những mã yếu nhất buổi chiều. HPG giảm thêm 2,21% riêng chiều nay và đóng cửa giảm tổng cộng 3%. Xấu hơn HPG chỉ có TPB, với mức giảm riêng chiều tới gần 3,5% và đóng cửa giảm tổng cộng 4,76% so với tham chiếu.
Khá bất ngờ, nếu nhìn qua các chỉ số đại diện thì nhóm smallcap lại đề kháng tốt nhất, khi chỉ số chỉ giảm 0,56%. Tuy nhiên rổ này cũng chỉ có 69 mã tăng/128 mã giảm. Điểm tích cực là dòng tiền vào nhóm tăng giá khá hơn nhóm giảm. Cụ thể, phân bổ thanh khoản ở phía tăng – dù số lượng mã ít hơn – của nhóm VNSmallcap đạt 1.544,9 tỷ đồng (chiếm 59,1% giá trị cả rổ), trong khi phân bổ nhóm giảm là 1.013 tỷ đồng. Smallcap cũng là nhóm cổ phiếu duy nhất tăng thanh khoản hôm nay, giao dịch 2.614,5 tỷ đồng, cao hơn phiên trước 3,1%. Những cổ phiếu thanh khoản lớn, giá tăng tốt nổi bật là VSC, HAH, FCN, LCG, KSB, BCG, HQC đạt thanh khoản đều trên 50 tỷ đồng và giá tăng từ 2% tới kịch trần.
Mặc dù vẫn có cổ phiếu đi ngược thị trường, thậm chí khá mạnh, nhưng tổng thể hôm nay vẫn là một phiên giao dịch kém tích cực. Thanh khoản quá thấp tiếp tục cho thấy chiến lược “hứng giá” vẫn là chủ đạo, khi lượng hàng giá rẻ vẫn đang về và thanh khoản thời điểm bắt đáy vẫn cao hơn hiện tại.
Nhóm cổ phiếu dầu khí, xây dựng, vật liệu, cùng một số cổ phiếu bất động sản trung bình tới nhỏ giao dịch khá mạnh mẽ phiên này. Rất khó để phân nhóm cổ phiếu vì tính chất riêng lẻ ở từng mã tạo ảnh hưởng lên giá, hơn là yếu tố nhóm ngành. Dầu khí tăng đều nhất nhưng bất động sản cũng có nhiều cổ phiếu mạnh bất chấp số lớn giảm sâu. Trong bối cảnh dòng tiền quá thận trọng như lúc này, cổ phiếu thường đi đường riêng và các mã nhỏ tới vừa có lợi thế hơn.