Giao dịch phiên chiều có chững lại một chút khi các thị trường tương lai chứng khoán Mỹ và châu Âu đỏ. Tuy vậy dòng tiền vẫn vào đều đặn, giữ giá cổ phiếu ở vùng cao khá ổn định trước áp lực bán ra.
VN-Index đạt đỉnh cao nhất ngày trong khoảng 10 phút đầu tiên buổi chiều, tăng 1,93% so với tham chiếu, sau đó tụt dần, đến cuối ngày còn tăng 1,43%. Như vậy chiều nay xu hướng là hạ độ cao. Vì vậy mức độ tụt giá là điều đáng quan tâm hơn.
Nhóm cổ phiếu blue-chips là những mã nâng đỡ chỉ số, có mức tụt giá không nhiều. VN30-Index tăng cao nhất 1,74% và kết phiên còn 1,37%. Nếu so với VN-Index thì chỉ số của rổ VN30 biến động nhẹ hơn. Điều này đồng nghĩa với việc tụt giá có tác động mạnh nhất đến từ những cổ phiếu vốn hóa lớn trong chỉ số chính.
GAS, HPG, VPB, CTG có biến động mạnh hơn cả trong nhóm trụ của VN-Index. GAS tăng cao nhất trên tham chiếu 4,78% lúc 1h08 và cuối phiên còn tăng 1,53%, tương đương mức tụt giá tới 3,1%. HPG từ mức tăng 2,12% ngay đầu phiên, từ từ trượt đến cuối ngày chỉ còn tăng 0,71%, tương đương trượt giảm 1,38%. VPB từ tăng 3,97% còn 2,53%, tương đương giảm 1,39%. CTG từ tăng 4,44% còn 2,22%, tương đương giảm 2,12%.
Trong khi đó các cổ phiếu blue-chips khác trong rổ VN30 trượt giảm ít hơn, nhiều mã trụ của chỉ số này như STB, VRE, HDB, VJC... thậm chít rất mạnh. VRE kịch trần, VJC đóng cửa ở mức cao nhất ngày, tăng 1,68%.
Hiện tượng hạ độ cao ở cổ phiếu trong phiên chiều nay cho thấy khi giá mạnh lên, đã xuất hiện lực bán mới. Không phải nhà đầu tư nào cũng tin tưởng vào hiệu ứng tăng lãi suất của FED sẽ kích hoạt nhịp tăng mới, nhất là khi chứng khoán thế giới hôm nay (giờ Việt Nam) cũng không còn mạnh như đêm qua. Lợi nhuận ngắn hạn gia tăng thêm 2-4% cũng khuyến khích nhà đầu tư ngắn hạn chốt lời.
Thanh khoản phiên chiều khá chậm, hai sàn niêm yết chỉ giao dịch thêm gần 7.033 tỷ đồng, giảm 19% so với phiên sáng. Độ rộng của HoSE vẫn rất ổn cuối ngày, với 378 mã tăng/90 mã giảm. Như vậy áp lực bán mới này chỉ dừng lại ở chỗ đẩy giá vào trạng thái giằng co trên nền giá cao.
Điều quan trọng là hôm nay thị trường đón nhận mức thanh khoản rất khá, với 15.684 tỷ đồng khớp lệnh, tăng 77% so với phiên trước và cao nhất 23 phiên. Nếu tính toàn bộ các giao dịch trên cả 3 sàn, thanh khoản đạt 18.277 tỷ đồng, cũng cao nhất 22 phiên.
Dòng tiền vào mạnh hơn đáng kể là tín hiệu tích cực, cho thấy nhà đầu tư trước đó đã tạm dừng giao dịch, hơn là tháo chạy khỏi thị trường. Khi tín hiệu tốt hơn, tâm lý vững hơn, hoạt động giao dịch lại sôi động trở lại. Nói cách khác, tiền vẫn đang nằm chờ một cơ hội và điều cần có là thị trường phát tín hiệu về cơ hội như vậy.
Thanh khoản tốt nhất hôm nay tập trung ở nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản. Top 20 cổ phiếu giao dịch lớn nhất toàn thị trường – chiếm 48,1% tổng giao dịch HoSE và HNX – thì dày đặc các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. STB, DIG, VPB là 3 mã lớn nhất đều khớp trên 500 tỷ đồng thanh khoản và thuộc các nhóm cổ phiếu trên. Mã còn lại là HPG. KBC, SSI, DXG, VND, HCM, CEO thuộc nhóm thanh khoản 300-400 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay mua ròng tiếp khoảng 171 tỷ đồng nữa tại KDC. Ngoài ra, STB, SSI, KBC, VRE, VHC, CTG, BID được tăng mua và tổng giá trị ròng đều trên 20 tỷ đồng. HPG bị bán ròng tăng cường, đạt -108 tỷ. Tính chung mức giải ngân của khối này tại HoSE lên tới 1.446,1 tỷ đồng, bán ra 760,4 tỷ đồng, tương ứng mức ròng 685,7 tỷ. Như vậy khối ngoại mua ròng đã kéo dài sang phiên thứ 7 liên tiếp, là chuỗi ngày mua ròng rất hiếm trong bối cảnh đã bán ròng rã nhiều tháng trời.