Cả nhóm VN30 lẫn nhóm Midcap hôm nay đều giảm thanh khoản, riêng Smallcap lại tăng gần 9% lên mức cao nhất 6 phiên. Hơn 20 mã trong nhóm này tăng kịch biên độ, hàng loạt mã vượt đỉnh lịch sử...
Thị trường tiếp tục chứng kiến sự èo uột trong nhóm cổ phiếu blue-chips, dù các mã dầu khí, chứng khoán vẫn khá mạnh. Riêng các mã vừa và nhỏ duy trì được dòng tiền mạnh, giữ vững thị phần gần 70% giá trị sàn HoSE.
Smallcap khớp lệnh 5.159 tỷ đồng hôm nay, tăng 9% so với hôm qua và lên mức cao nhất 6 phiên. Đây cũng là chỉ số duy nhất không có nhịp tụt lùi nào trong phiên chiều, càng về cuối phiên càng tăng mạnh hơn và đóng cửa trên tham chiếu 1,19%.
Có tới 21 cổ phiếu trong nhóm Smallcap đóng cửa tại giá kịch trần và hơn 40 mã tăng trên 2%. Nhiều cổ phiếu penny tiếp tục đem lại lợi nhuận chóng mặt, đồng loạt vượt đỉnh lịch sử và nhiều mã không có đỉnh.
Kể từ phiên xuất hiện đỉnh kỷ lục về thanh khoản hôm 3/11 vừa qua, không ít cổ phiếu nhỏ vẫn tiếp tục leo cao hơn. Chỉ trong có 5 phiên, rất nhiều cổ phiếu tiếp tục đem lại lợi nhuận hàng chục phần trăm. Thống kê trong rổ Smallcap, nếu nhà đầu tư dũng cảm bắt đáy trong phiên xả khổng lồ ngày 3/11 thì đến hôm nay 8 mã đã lãi trên 20%, 33 cổ phiếu khác lãi từ 10% đến dưới 20%. Đây là biên lợi nhuận cực tốt trong thời gian cực ngắn.
Những cổ phiếu đem lại lợi nhuận khủng nhất trong 5 phiên vừa qua có thể kể tới HAI (+33,46%), ABS (30,56%), DAG (+24,71%), LDG (23,56%), IDI (22,82%), TMT (+22,81%), CTS (22,47%)... Trong số này có HAI lên đỉnh cao nhất 4 năm, DAG, TMT đạt đỉnh từ 2017, IDI, CTS không có đỉnh.
Tính chung cả hai sàn niêm yết phiên này có khoảng 70 mã đóng cửa ở giá trần, UpCOM thêm 30 mã là tròn trăm. Rõ ràng nhóm cổ phiếu đầu cơ nhỏ vẫn đang thu hút chú ý của toàn bộ thị trường, khi không chỉ có thanh khoản rất tốt mà giá còn tăng nóng liên tục. Các đợt chốt lời hầu như không ảnh hưởng gì đến xu hướng của đa số mã.
Bức tranh ngược lại là nhóm blue-chips VN30 với mức đóng cửa chỉ số hôm nay là -0,22% so với tham chiếu. Độ rộng cân bằng với 13 mã tăng/13 mã giảm và PLX vẫn kịch trần. Thực tế thì VN30 cũng đã khá hơn buổi sáng một chút: So với giá cuối phiên sáng, chiều nay có 13 mã đóng cửa cao hơn và 12 mã tụt giá. Tính về điểm số thì cải thiện khoảng... 0,09% so với cuối phiên sáng.
Mặc dù điểm số không biến động được bao nhiêu, nhưng vẫn có một số cổ phiếu thay đổi lớn chiều nay. Phía tích cực, đảo chiều tốt nhất là TPB khi cuối phiên sáng đang giảm 0,12% so với tham chiếu, kết phiên thành tăng 1,38%, đồng nghĩa với riêng chiều nay tăng gần 1,5%. VRE, MWG, FPT là những mã khác có tiến triển tốt, đảo chiều tăng hơn 1% riêng chiều nay. Phía giảm, sốc đột ngột là PNJ khi cuối phiên sáng khá ổn, vẫn trên tham chiếu 0,19%, chiều nay lực xả tăng vọt, thanh khoản gấp 4,2 lần phiên sáng và giá đóng cửa giảm tới 2,83% so với tham chiếu.
Điểm tích cực trong nhóm blue-chips là ở các mã có cải thiện giá chiều nay, nhiều mã vốn hóa lớn. VNM dù đóng cửa còn giảm 0,11% nhưng vẫn là tốt hơn phiên sáng; MSN, NVL, SAB, VCB cũng có giá mạnh lên. Cơ cấu này giúp VN-Index đóng cửa tăng 0,24% so với tham chiếu.
Thanh khoản phiên chiều trên hai sàn khá đuối, chỉ khớp thành công 13.412 tỷ đồng, tương đương gần 71% so với phiên sáng. Dù vậy tổng hợp cả phiên, thanh khoản hai sàn niêm yết vẫn tương đương hôm qua, duy trì trên 32,3 ngàn tỷ đồng khớp lệnh. VN30 sụt giảm hơn 4% giá trị, chỉ khớp 9.468,8 tỷ đồng, Midcap giảm gần 2%, đạt 9.729,5 tỷ đồng, riêng Smallcap tăng 9%, đạt 5.159 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay quay trở lại bán ròng đột biến 807 tỷ đồng, tương đương mức bán ròng thêm riêng buổi chiều xấp xỉ 230 tỷ đồng. PAN vẫn bị bán lớn từ sáng, nhưng HPG bị xả đột biến buổi chiều, mức bán ròng chung lên tới 126,5 tỷ đồng. JVC, NLG, VNM bị bán trên 70 tỷ ròng. SSI, PDR, CII, DXG bị bán từ 40 tỷ đồng tới 50 tỷ đồng. Phía mua ròng MSN khá tốt, được mua ròng 45,7 tỷ.