Năm 2020, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng GRDP của Tp.HCM vẫn tăng 1,39% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút vào thành phố trong năm qua chỉ đạt gần 4,4 tỷ USD, giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn dẫn đầu cả nước.
Do tác động của đại dịch Covid-19 nên năm 2020, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI giảm so với năm 2019. Nếu tính từ đầu năm 2020 đến ngày 20/12/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trên cả nước chỉ đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm trước. Riêng với Tp.HCM, nếu tính gộp tất cả các năm đã có gần 10.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư lên đến 48,2 tỉ USD.
NĂM 2020: THU HÚT FDI ĐỨNG ĐẦU CẢ NƯỚC
Theo UBND Tp.HCM, năm 2020 thành phố đã thu hút được gần 4,4 tỷ USD vốn FDI, đứng đầu cả nước. Nguồn vốn FDI đầu tư vào Tp.HCM tập trung vào ba ngành chính, bao gồm: thương mại, công nghiệp; kinh doanh bất động sản; các ngành chuyên môn khoa học, công nghệ, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng.
Từ trước tới nay, nguồn vốn FDI đã trở thành một thành phần quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế thành phố phát triển hài hòa theo cả chiều rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020 Tp.HCM chỉ có 950 dự án đầu tư từ nguốn vốn FDI, dẫn đầu trong cả nước. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến tìm hiểu thông tin về việc thuê các khu đất có diện tích lớn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Tp.HCM để chuẩn bị mặt bằng cho các dự án đầu tư trong thời gian sắp tới.
Một số quỹ đầu tư nước ngoài có vốn lớn cũng có những động thái quan tâm đến hoạt động này. Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong khu công nghệ cao cũng có xu hướng đầu tư các nhà xưởng cao tầng tại cáckhu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Mặc dù là một năm rất khó khăn, nhưng đối với Tp.HCM khu vực vốn FDI năm 2020 vẫn là động lực chính trong tăng trưởng xuất, nhập khẩu với kim ngạch xuất khẩu tăng 10,7% và nhập khẩu tăng 7,6% so với cùng kỳ. Theo số liệu từ Sở Công Thương Tp.HCM, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp FDI trên địa bàn xuất qua cảng thành phố (gồm cả dầu thô) trong tháng 11/2020 đạt 3.584,4 triệu USD, chiếm 91,7% tổng giá trị xuất khẩu của thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước và tăng 4,4% so với tháng trước.
Tính đến tháng 5/2020, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào Tp.HCM với 44 dự án đạt vốn đầu tư là 80,5 triệu USD, chiếm 32,4% trong tổng vốn cấp mới. Tiếp theo là Singapore với 70 dự án với tổng số vốn đầu tư 50,8 triệu USD, chiếm 20,4%; Hồng Kông 37 dự án với tổng số vốn đầu tư là 31,5 triệu USD.
NHIỀU LỢI THẾ ĐỂ THU HÚT FDI
Năm 2021, Sở Kế hoạch & Đầu tư Tp.HCM đặt mục tiêu thu hút 5,4 tỷ USD vốn FDI cao hơn năm 2020 1 tỷ USD. Đây cũng là chỉ tiêu đầy tham vọng bởi thời gian gần đây, dòng vốn FDI vào thành phố có xu hướng sụt giảm trong khi tăng lên ở một số địa phương khác.
Theo TSKH. Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế quản lý Tp.HCM, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 chưa biết khi nào kết thúc, nhưng với Tp.HCM con số này vẫn khả thi. Bởi vì so với những địa phương khác, Tp.HCM có nhiều lợi thế vì hầu như các nhà đầu tư lớn nước ngoài đến Việt Nam đều có văn phòng đặt tại đây.
Để tháo gỡ, khơi thông dòng vốn FDI, Tp.HCM đang đẩy mạnh tạo quỹ đất công nghiệp cùng với việc triển khai thêm một số khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng công nghệ cao, giải quyết hạ tầng giao thông. Đặc biệt, Tp.HCM tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo đó, thành phố quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến, doanh nghiệp thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc CMCN 4.0; khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế như công nghệ cao, lĩnh vực thâm dụng khoa học công nghệ; chú trọng đáp ứng nguồn nhân lực. Hy vọng rằng với những chuẩn bị như vậy Tp.HCM sẽ tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra.