Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết đại lộ Võ Văn Kiệt (Thành phố Hồ Chí Minh) đang được triển khai mở rộng thêm mặt đường cho đoạn dài khoảng 8 km, theo hướng từ nút giao Tân Kiên về hầm sông Sài Gòn nhằm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.
Theo đó, công trình nằm trên đoạn đường Võ Văn Kiệt từ Km4+900 đến Km12+900, bên phải tuyến hướng từ nút giao Tân Kiên về đường hầm sông Sài Gòn.
Dự kiến, ngành giao thông sẽ sửa chữa, cải tạo dải phân cách giữa hai làn xe 2 bánh để đồng bộ mặt cắt ngang tại làn xe trên toàn tuyến, điều chỉnh chiều rộng làn xe ôtô.
Cụ thể, dự án sẽ di dời, đốn hạ 236 cây xanh và dỡ bỏ dải phân cách ngăn hai làn xe máy, giúp mở rộng lên khoảng 7 m, tạo thông suốt cho các xe lưu thông. Tổng kinh phí cải tạo đoạn đường trên hơn 13 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành giữa tháng 9/2024.
Hiện, làn đường xe 2 bánh trên đường Võ Văn Kiệt, hướng từ nút giao Tân Kiên về đường hầm sông Sài Gòn, gồm 2 phần đường rộng 3 - 3,5m và rộng 2 - 2,5 m được ngăn cách bằng dải phân cách cứng là bồn cỏ kéo dài liên tục (rộng trung bình 0,75 m) và bồn cỏ có trồng cây (rộng trung bình 2 m).
Theo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, lưu lượng phương tiện trên tuyến tăng cao, nên việc bố trí làn đường như thời gian qua gây nên tình trạng ùn tắc cũng như xảy ra va quẹt giữa các phương tiện.
Do đó, việc cải tạo dải phân cách phân tách giữa hai làn xe 2 bánh, điều chỉnh làn đường xe 2 bánh từ hai phần đường thành đường rộng trung bình 7m đồng bộ suốt tuyến là rất cần thiết để tăng năng lực thông hành của đường, đảm bảo an toàn giao thông.
Đường Võ Văn Kiệt rộng 60 m, dài khoảng 13 km tính từ cầu Calmette (Quận 1) đến nút giao Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh). Đây là tuyến đường quan trọng kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau hơn 15 năm khai thác, lưu lượng xe trên tuyến đường này ngày càng tăng. Hiện, tuyến đường này được dự tính kéo dài thêm, nối đến huyện Đức Hòa, Long An, giúp tăng kết nối vùng, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội ở hai địa phương.
Những ngày qua, nhiều hộ dân dọc các đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn gần vòng xoay Dân Chủ (quận 3) tháo dỡ nhà cửa, trả mặt bằng xây dựng Metro Bến Thành - Tham Lương - tuyến thứ 2 của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những hộ thuộc diện cuối trong dự án bàn giao mặt bằng.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (MAUR), tuyến có tổng diện tích cần thu hồi khoảng 251.000 m2 với 585 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng, kinh phí đền bù hơn 3.700 tỷ đồng. Hiện có 560 trường hợp bị ảnh hưởng đã bàn giao, đạt tỉ lệ 95,72%.
Trong đó, diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng qua quận 3 gần 7.200 m2, với 112 trường hợp bị ảnh hưởng. Đến nay quận 3 đã bàn giao 94 trường hợp cho dự án và đang thực hiện các thủ tục tiếp nhận mặt bằng của 18 trường hợp còn lại. Trong đó quận Tân Bình còn 7 hộ chưa bàn giao mặt bằng.