Theo báo cáo World Ultra Wealth Report.mới nhất của Wealth-X, San Jose, bang California (Mỹ) là thành phố có mật độ người siêu giàu - sở hữu tài sản trên 30 triệu USD - đông nhất hành tinh.
San Jose là trung tâm công nghệ của khu vực Bay Area, nơi có Thung lũng Silicon. Tại đây, cứ 727 người thì có một người thuộc giới siêu giàu.
Theo sau San Jose là thành phố Basel, Thụy Sỹ. Tại đây, cứ 776 người thì có một người siêu giàu. Hồng Kông (Trung Quốc) là thành phố châu Á duy nhất trong top 10 với tỷ lệ 787 cư dân trên một người siêu giàu.
Theo báo cáo, những thành phố có mật độ người siêu giàu cao nhất thường là đô thị quy mô trung bình với các lĩnh vực phát triển chủ đạo là công nghệ và dịch vụ tài chính. San Jose là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty nổi tiếng như Cisco Systems, Hewlett-Packard, Adobe và PayPal. Tính tới năm 2020, thành phố này có hơn 1 triệu dân, là đô thị lớn thứ ba tại bang California, sau Los Angeles và San Diego.
Xét về số lượng, New York là thành phố có nhiều người siêu giàu nhất thế giới với 11.475 người, theo sau là Hồng Kông; Tokyo; Los Angeles; Chicago; San Francisco; Paris, Washington; Osaka và Dallas.
Trên toàn cầu, số lượng người siêu giàu gia tăng không đồng đều tại các khu vực trong năm ngoái. Trong khi Bắc Mỹ và châu Á chứng kiến số lượng người siêu giàu tăng mạnh, khu vực châu Âu, Thái Bình Dương và Trung Đông lại sụt giảm. Theo báo cáo của Wealth-X, so với các khu vực khác, số lượng cá nhân siêu giàu ở châu Phi “chỉ” giảm 1,5% và tổng giá trị tài sản ròng của nhóm này duy trì ổn định ở mức 312 tỷ USD, chiếm 0,9% toàn cầu”.
Giới giàu toàn cầu ngày càng giàu hơn bất chấp dại dịch. Trong cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng cùng những tác động kinh tế kéo dài, tổng số lượng người siêu giàu toàn cầu vẫn tăng 1,7% so với năm 2019 lên 295.450 người. Nhóm siêu giàu chiếm 1,2% dân số giàu toàn cầu (có tài sản ít nhất 1 triệu USD), nhưng nắm giữ tới 34% tài sản của nhóm này, lên tới 35.500 tỷ USD.
Wealth-X cho rằng sự gia tăng số lượng người siêu giàu trong thời kỳ kinh tế hỗn loạn, thất nghiệp trên diện rộng và thu nhập giảm với nhóm ‘không giàu’ càng làm trầm trọng hơn tác động phân hóa của đại dịch trên toàn xã hội.
“Khả năng vượt qua cơn bão của người siêu giàu (trong một số trường hợp là sự gia tăng đáng kể về tài sản) theo ý nghĩa nào đó cũng làm tăng triển vọng tạo ra của cải trong tương lai. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về việc bất bình đẳng giàu nghèo gia tăng và có thể thúc đẩy nỗ lực thay đổi chính sách phân phối lại tài sản trong nhiều lĩnh vực".