Thanh tra Chính phủ vừa có Tờ trình Chính phủ về dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi. Điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Thanh tra cho phép lập thanh tra cấp huyện và do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh và sau khi có ý kiến của Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, không phải tất cả các huyện đều được lập thanh tra mà chỉ những huyện ở một số địa bàn đủ điều kiện và thanh tra chuyên ngành ở cấp sở đối với một số ngành như xây dựng, tài nguyên, giao thông, y tế, nông nghiệp, lao động…
THANH TRA VÀ KIỂM TOÁN CÒN NHIỀU TRÙNG LẶP
Theo tờ trình của Thanh tra Chính phủ, sau gần 10 triển khai thực hiện, bên cạnh những mặt tích cực thì đến nay Luật Thanh tra đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, không còn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế…
Cụ thể, tổ chức và hoạt động thanh tra của thanh tra các bộ, ngành chưa phù hợp với đặc điểm của từng bộ, ngành; chưa phân biệt rõ giữa thanh tra theo lĩnh vực quản lý với thanh tra việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, công vụ.
Giữa thanh tra và các hình thức kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý còn nhiều bất cập. Sự phân định về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra chưa rõ ràng, còn có sự chồng chéo, trùng lặp giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành: còn có sự chồng chéo, trùng lặp giữa Thanh tra Chính phủ với Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh…. Cơ sở pháp lý thực hiện việc giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra còn thiếu, các quy định lỏng lẻo, đơn giản và chưa đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, những quy định hiện hành đang làm cho việc thực hiện giám sát gặp khó khăn, nhất là ở thanh tra cấp cơ sở do số lượng biên chế có hạn, trong khi cùng thời điểm phải tổ chức nhiều đoàn thanh tra nên không đủ người làm nhiệm vụ giám sát.
Hiện nay việc giám sát chủ yếu chỉ thực hiện chủ yếu qua báo cáo của Đoàn thanh tra nên khó đảm bảo tính khách quan, chính xác. Việc giám sát còn mang nặng tính hình thức, thiếu thực chất và chưa hiệu quả.
Tờ trình cũng nêu rõ, Luật Thanh tra hiện hành chư quy định thống nhất, cụ thể về tổ chức thẩm định kết luận thanh tra và quy trình thẩm dẫn đến nên việc thực hiện gặp vướng mắc, lúng túng. Việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tồn tại nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến hiệu quả thu hồi tiền, tài sản của nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích còn thấp…
Ngoài ra, những quy định hiện hành đang tạo nên sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán…
BỎ BỚT THANH TRA CƠ SỞ, CHUYÊN NGÀNH
Trong dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, điểm mới đáng chú ý sẽ thành lập cơ quan Thanh tra cấp huyện ở một số huyện thỏa mãn một trong các tiêu chí như là đơn vị hành chính cấp huyện loại I, huyện miền núi, biên giới, hải đảo mà trung tâm hành chính huyện cách trung tâm hành chính tỉnh từ 100 km trở lên và điều kiện đi lại khó khăn.
Cơ quan Thanh tra huyện do đích thân Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ.
Ở những địa phương không tổ chức Thanh tra huyện thì chức năng thanh tra do Thanh tra tỉnh thực hiện.
Một điểm mới nữa là quy định chỉ thành lập Thanh tra sở là cơ quan thanh tra chuyên ngành ở một số lĩnh vực có nhu cầu thanh tra cao và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Không như quy định hiện hành, Thanh tra sở có mặt ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.
Cụ thể, Thanh tra sở chỉ được thành lập trong những lĩnh vực như tài nguyên và môi trường, xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp và Phát triển nông thôn, y tế, giáo dục và lao động Thương binh xã hội.
Với những lĩnh vực khác, việc thành lập Thanh tra sở sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ.
Trong những lĩnh vực quản lý nhà nước không thành lập Thanh tra sở thì chức năng thanh tra do Thanh tra tỉnh đảm nhận…