July 26, 2021 | 23:13 GMT+7

Thanh tra Chính phủ phát hiện tuyến BRT Hà Nội nghìn tỷ sai phạm 43,5 tỷ đồng

Ánh Tuyết -

Thanh tra Chính phủ vừa phát hiện tổng thiệt hại kinh tế tại Hợp phần I - Xe buýt nhanh BRT Hà Nội hơn 43,5 tỷ đồng. 5 năm qua, mô hình BRT bị đánh giá đầu tư thiếu tương xứng, thậm chí là thất bại...

Tuyến BRT hoạt động tại nút giao Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương.
Tuyến BRT hoạt động tại nút giao Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương.

Ngày 26/7, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì buổi công bố công khai Kết luận số 1468/KL-TTCP/2018 của Thanh tra Chính phủ về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại thành phố Hà Nội. Đáng chú ý, kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội.

 
Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao UBND TP. Hà Nội xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thống nhất với nhà tài trợ để thu hồi số tiền theo kết luận thanh tra. Nếu công ty Cổ phần Thiên Thành An  không thực hiện thì UBND TP. Hà Nội chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra.

Chỉ ra sai phạm về kinh tế, Thanh tra Chính phủ phát hiện tổng số tiền sai phạm tại Hợp phần I - Xe buýt nhanh BRT thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội hơn 43,5 tỷ đồng. 

Trong đó, số tiền 42,4 tỷ đồng do công ty Cổ phần Thiên Thành An xuất bán cho chủ đầu tư đối với 35 xe buýt BRT, giá trị chênh lệch tăng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện.

Số tiền gần 207 triệu đồng đối với đơn giá dịch vụ kiểm tra xe do chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu vượt so với hợp đồng đã ký, không đúng quy định.

Gói thầu 01d/BRT-XL có số tiền sai gần 626 triệu đồng, bao gồm: áp đơn giá vật liệu sai thời điểm, thiếu sót trong lập, thẩm tra và phê duyệt dự toán điều chỉnh trạm biến áp; không thực hiện bu lông, kích dầu…

Về hiệu quả đầu tư, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

Các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện cho người sử dụng, một số nhà chờ chưa có cầu vượt đi bộ để tiếp cận, cầu vượt đi bộ chưa hỗ trợ cho người khuyết tật. Ngoài ra, xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.

Theo báo cáo từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, tổng hành khách vận chuyển năm 2018 của BRT đạt 5,3 triệu lượt, tăng 6,3% so với năm 2017, số hành khách mới chỉ đạt được gần 50% công suất thiết kế. Sản lượng năm 2019 đạt 5,5 triệu lượt, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2018. Năm 2020 đạt 5,356 triệu lượt hành khách, giảm 2,6 % do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Doanh thu cũng sụt giảm lớn qua từng năm. Cụ thể, doanh thu năm 2018 toàn tuyến đạt 27,5 tỷ đồng. Năm 2019 là 24,8 tỷ đồng; và năm 2020 sụt còn 15,2 tỷ đồng, giảm đến 45%. Bên cạnh đó, tỷ lệ trợ giá/chi phí năm 2018 là 26,6%, nhưng vọt lên 36,6% vào năm 2019.

 

Tuyến buýt nhanh BRT được đầu tư thí điểm đầu tiên ở Hà Nội cũng như Việt Nam từ nguồn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Tổng mức đầu tư là 53,6 triệu USD, hơn 1.000 tỷ đồng. Sau khi được đầu tư, Thành phố đã bàn giao cho Tổng công ty vận tải Hà Nội tiếp nhận quản lý và vận hành khai thác từ ngày 1/1/2017.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate