Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi 26.654 tỷ đồng, và 574 ha đất, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 59.344 tỷ đồng, 8.203 ha đất; ban hành 145.558 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 5.641 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra, xem xét, xử lý 451 vụ, 295 đối tượng.
Trong đó, với lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 1.228 cuộc thanh tra, kiết thúc và ban hành kết luận 1000 cuộc. Qua thanh tra 2.748 đơn vị, đã phát hiện vi phạm với số tiền 377 tỷ đồng, 3ha đất; kiến nghị thu hồi 180 tỷ đồng, 3ha đất; kiến nghị xử lý khác 197 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 673 tổ chức, 1.338 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 8 vụ, 10 đối tượng. Các địa phương phát hiện nhiều đơn vị có vi phạm là Nghệ An, Hà Nội, Lai Châu, Tiền Giang, Sóc Trăng, Hải Phòng, Quảng Nam, Hải Dương, Phú Yên…
Trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 1.141 cuộc thanh tra. Qua thanh tra 1.887 đơn vị, phát hiện vi phạm với số tiền trên 581 tỷ đồng, 5.487ha đất; kiến nghị thu hồi 100 tỷ đồng, 569ha đất; kiến nghị xử lý khác 482 tỷ đồng, 4.918ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 888 tổ chức, 1.137 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 44 vụ, 78 đối tượng. Các địa phương có nhiều đơn vị vi phạm gồm TP.HCM, Bến Tre, Lai Châu, Bắc Ninh, Quảng Nam, hưng Yên, hà TĨnh…
Trong lĩnh vực tài chính ngân sách, Thanh tra đã tiến hành 3.440 cuộc thanh tra, kết thúc và ban hành kết luận 2.850 cuộc. Qua thanh tra 6.631 đơn vị, phát hiện vi phạm với số tiền trên 1.520 tỷ đồng, 19,6 hécta đất; kiến nghị thu hồi 552 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 969 tỷ đồng và 16,9 hécta đất; kiến nghị xử lý hành chính 1.520 tổ chức, 3.817 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 60 vụ 100 đối tượng. Các địa phương phát hiện nhiều đơn vị vi phạm là Thanh Hóa, Khánh Hòa, Kiên Giang, Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Thừa Thiên Huế…
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ khẳng định: “Trong 2022, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các Bộ, ngành, địa phương đã bám sát định hướng chương trình thanh tra và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng để triển khai các đoàn thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất, tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực quan trọng, dư luận xã hội quan tâm.
Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật. Trong đó đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra bản án…
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, trong 2023, sẽ đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.
Đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra; Phối hợp với các bộ, ngành chức năng làm việc kiểm tra tình hình giải quyết, khắc phục tồn tại theo các kết luận thanh tra đối với các dự án đầu tư ở địa phương mà việc xử lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước, doanh nghiệp, nhất là nguồn lực đất đai, tài nguyên…