Thay vì tập trung vào thanh tra các tập đoàn kinh tế, Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển mục tiêu sang gói kích cầu.
Thông tin này được Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết tại cuộc họp báo công tác thanh tra 6 tháng đầu năm, diễn ra chiều 9/7.
Ông Truyền nói:
- Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã tiến hành 8 cuộc thanh tra mới, kết thúc 8 cuộc thanh tra cũ của năm 2008 chuyển sang. Nếu xét về số lượng các cuộc thanh tra, ở cấp thanh tra Chính phủ thì có phần ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thanh tra bộ, ngành, địa phương thì lại tăng lên với phạm vi rộng hơn.
Đặc biệt, trong 8 cuộc thanh tra mới của chúng tôi đã phát hiện nhiều vấn đề liên quan đến lãnh đạo điều hành, cơ chế chính sách, trách nhiệm của các cấp các ngành, trong đó nổi lên là vụ việc của ngành thuế. Sau khi kết thúc, chúng tôi cũng đã có nhiều kiến nghị liên quan đến thay đổi hoạt động của ngành thuế.
Trong 6 tháng qua, vi phạm cũng đã xảy ra trên nhiều lĩnh vực, từ lĩnh vực thuế, đến cổ phần hóa, quản lý đất đai, sử dụng tài chính công. Nhìn chung, các sai phạm này không có gì mới. Chủ yếu vẫn tập trung ở khâu quản lý, triển khai dự án, sử dụng đất đai, triển khai quy hoạch, đền bù…
Riêng vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp thì sai phạm tập trung vào 4 nội dung, đó là: định giá trị tài sản, bán cổ phần trái quy định, nghĩa vụ tài chính sau cổ phần hóa và đầu tư sau cổ phần hóa.
Có thông tin cho rằng, sắp tới, Thanh tra Chính phủ sẽ điều chuyển mục tiêu của mình sang thanh tra gói kích cầu, trong khi vấn đề cổ phần hóa đang là “đích ngắm” của Thanh tra Chính phủ?
Đúng là kế hoach ban đầu của chúng tôi là như vậy, tức là tập trung vào thanh tra một số tập đoàn kinh tế, với trọng tâm là việc đánh giá giá trị doanh nghiệp, nhưng do tình hình kinh tế suy giảm nên Chính phủ đã chỉ đạo thay đổi kế hoạch thanh tra, tập trung vào thanh tra việc triển khai kích cầu, bao gồm cho vay ưu đãi, vấn đề giải ngân, thực hiện chính sách xã hội…
Chúng tôi thấy điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tính hình kinh tế và bối cảnh của chúng ta hiện nay. Đành rằng, việc thanh tra cổ phần hóa cũng rất cần, nhưng nếu chưa làm thì vẫn còn đó chứ chưa phải là đã quá gấp gáp.
Nhiệm vụ kích cầu là nhiệm vụ mang tính thời sự vì thời gian, phạm vi của kích cầu là có giới hạn nhất định. Do đó, ở cấp của chúng tôi đã cho tạm dừng 4 cuộc thanh tra doanh nghiệp nhà nước và cũng chỉ đạo cấp địa bàn có kế hoạch điều chỉnh sang theo dõi kích cầu, đặc biệt là tập trung vào việc hỗ trợ người nghèo và hỗ trợ ngư dân.
Vừa qua, Bộ Tài Nguyên và Môi trường có công bố tỷ lệ đơn thư khiếu nai, tố cáo của ngành này chiếm đến gần 99%. Vậy, tỷ lệ này là như thế nào đối với các vụ việc do Thanh tra Chính phủ thực hiện, thưa ông?
Thực ra, vấn đề này đã có báo cáo trước Quốc hội về công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai. Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý là hiện nay trên tất cả các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai đều có vi phạm, trong đó nổi lên là tình trạng quy hoạch treo, thiếu thực tế, triển khai trái quy hoạch, đánh giá sai giá trị đất, chuyển đổi đất, đền bù…
Điều đó cũng cho thấy, sai phạm về đất đai là khá rộng lớn và khá nghiêm trọng, mà nguyên nhân căn gốc là việc quản lý đất đai còn lỏng lẻo.
Vừa qua, trong báo cáo của các tỉnh gửi về thì có ít nhất 9 tỉnh, thành báo cáo là trong 6 tháng đầu năm chưa có một vụ tham nhũng nào. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thì đây là điều bất bình thường, bởi không lý do gì ở một địa bàn rộng lớn của một tỉnh, với hàng nghìn cán bộ, đảng viên, với hàng trăm dự án mà lại không có vụ việc gì xảy ra.
Thế còn quá trình điều tra những vụ việc liên quan đến tiêu cực trong in tiền polymer hay vụ PCI - như báo chí nước ngoài đưa tin - hiện đã đến đâu, thưa ông?
Các thông tin về những vụ việc trên do báo chí bên ngoài đưa tin chỉ là một phía, đều là do người của họ khai báo. Ví dụ như tại Úc, một số thông tin cho rằng, họ có hối lộ cho nhiều cá nhân, tổ chức ở nhiều nước khi in tiền polymer, trong đó có một số quan chức của Việt Nam.
Về việc này, chúng tôi đã thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước và thấy rằng, trong việc in tiền polymer, dù có một số thiếu sót, nhưng không có dấu hiệu nhận hối lộ, nhận tiền.
Hiện nay, Chính phủ cũng đang chỉ đạo chúng tôi yêu cầu phía Úc cung cấp thông tin, tài liệu và những bằng chứng cụ thể thì chúng ta mới có cơ sở để triển khai điều tra.
Còn về vụ PCI, hiện nay chúng tôi và các cơ quan chức năng đã nhận được khoảng 4.000 trang tài liệu từ tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh và Nhật. Kinh phí để dịch số tài liệu trên sang tiếng Việt sẽ tốn kém khoảng trên 1 tỷ đồng. Sau đó chúng ta phải giám định để xác định tính chính xác của tài liệu, trên cơ sở đó chuyển hóa các nội dung tài liệu này để điều tra, thẩm tra.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate