August 08, 2023 | 17:00 GMT+7

Tháo gỡ khó khăn cho bất động sản: Tình thế bất thường thì giải pháp cũng phải khác thường

Thanh Xuân -

PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng tình thế bất thường phải có giải pháp khác thường. Đơn cử như hiện nay, bất động sản tồn kho tăng, nhiều dự án tốt nhưng còn vướng mắc, chưa cung cấp ra thị trường thì xử lý thế nào? Nhà nước có mua lại dự án đó để tạo lòng tin với doanh nghiệp và người mua không…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phát biểu trong Hội nghị trực tuyến về bất động sản mới đây, PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận xét, việc Chính phủ tập trung cao độ cho thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay là bước đi, tầm nhìn lớn. Cách ban hành nghị quyết, chính sách, giải pháp của Chính phủ đều theo tinh thần hoàn cảnh bất thường thì giải pháp, cách làm cũng phải khác thường. Các giải pháp tháo gỡ mà Chính phủ đưa ra không tuân theo logic thông thường, và chỉ cách đó mới thoát khỏi tình trạng hiện nay, chứ nếu là giải pháp bình thường thì khó tháo gỡ vì thực tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn.

Theo GS. Trần Đình Thiên, chúng ta đang ở thời điểm có nhiều chính sách tốt và tập trung, nhưng việc thực thi chính sách không dễ. Cái khác thường làm tư duy thực thi bị cản trở, không dám làm. Do đó, khi đưa ra nghị quyết mới, giải pháp mới cần đi liền cùng cam kết bảo đảm việc thực thi chính sách.

Ngoài ra, tình hình doanh nghiệp và hoạt động bất động sản đang khó khăn, việc khơi thông thị trường phải dựa trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: “Không thể trông chờ vào một giải pháp dễ dàng, nhanh chóng mà cần kiên trì, biết khó để nỗ lực”.

Mặt khác ông Thiên cho rằng các giải pháp thường tập trung về phía cung, trong khi thị trường bất động sản khó cả cung lẫn cầu. Đa số giải pháp tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp là đúng, vì đó là mấu chốt của vấn đề. Nhưng rõ ràng đứng trên lập trường phát triển đầy đủ, cầu bất động sản đang trì trệ và khả năng còn tiếp tục trì trệ. Các phân tích gần đây liên quan đến tổng cầu chưa thấy điểm sáng. Bởi vậy, nên phân tích đầy đủ cầu cho thị trường bất động sản để tìm được cách tiếp cận tốt nhất. Nếu không, chúng ta xây dựng xong lại để đấy, không có thị trường tiêu thụ. Đây là điểm mất cân đối, rất yếu về khía cạnh chính sách.

Trên cơ sở phân tích, chuyên gia đề xuất với thủ tục pháp lý vẫn theo tinh thần: Tình thế bất thường phải có giải pháp khác thường. Đơn cử hiện nay, bất động sản tồn kho tăng, nhiều dự án tốt nhưng vướng mắc, chưa đưa tới thị trường thì xử lý thế nào? Nhà nước có mua lại dự án đó để tạo lòng tin cho doanh nghiệp và người mua không? Tôi cho rằng, giải pháp này cơ bản nhằm gỡ cho dự án tốt, lớn nhưng lại đang "tắc".

Tiếp đó, về phương pháp thặng dư để định giá đất. Đây là tư duy logic của nền kinh tế thị trường, đi liền với đất để bảo đảm rằng đầu cơ thì phải được xử lý. Do đó cần xem xét thật kỹ lưỡng.

Đồng thời, thị trường cũng cần tinh gọn quy trình thủ tục đầu tư, với việc triển khai dự án trong quy hoạch thì kiến nghị không phải qua các bước xin chủ trương, quy chế triển khai.

Còn về chính sách nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, ông Thiên lưu ý, nhu cầu của các địa phương với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất khác nhau; điều kiện, năng lực, áp lực thực thi chính sách khác nhau nên phải có chính sách bảo đảm cho địa phương có quyền chủ động chính sách nhiều hơn, chứ không nên có chính sách giống nhau khiến địa phương không có quyền chủ động. “Đặc biệt, cần đặt vấn đề thời điểm hiện nay, liệu chúng ta làm nhà ở xã hội theo hướng thương mại thì có cần một gói kích cầu như trước không? Ai sẽ mua khi thu nhập của người lao động suy giảm?", ông Thiên lưu ý.

Cuối cùng, theo vị chuyên gia, để bảo đảm điều kiện doanh nghiệp cả phía cung lẫn cầu thì nên có quỹ bảo lãnh cho vay, nếu không khó lòng bảo đảm rủi ro cho ngân hàng. Thị trường đang rất cần Nhà nước tung ra những hỗ trợ mạnh hơn giúp vực dậy thị trường bất động sản.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate