Theo thống kê của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về bảng xếp hạng thu hút khách du lịch, tỉnh Thanh Hóa đứng ở vị trí thứ 3 chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Năm 2022, Thanh Hóa đã đón 11 triệu lượt khách, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2021, tổng thu du lịch ước đạt 20.038 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021.
Trong đó, chỉ tính riêng thành phố Sầm Sơn đã đón được hơn 7 triệu lượt khách gấp 4,5 lần so với năm 2021, tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 14.000 tỷ đồng, gấp 5,22 lần so với năm 2021.
THU HÚT ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG PHẦN PHÍA NAM DÃY NÚI TRƯỜNG LỆ
Thế nhưng, để du lịch Sầm Sơn phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có của thành phố này trong thời gian tới vẫn còn những “nút thắt” cần được tháo gỡ.
Tại buổi họp báo sáng ngày 12/4, thông tin về lễ kỷ niệm 60 năm thành lập đô thị Sầm Sơn và khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2023, Bí thư Thành ủy thành phố Sầm Sơn Lương Tất Thắng đã chia sẻ những trăn trở về việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều hành và phát triển du lịch của thành phố.
Thứ nhất, hiện trạng phát triển hạ tầng du lịch biển Sầm Sơn, theo ông Thắng cho biết, hiện nay thành phố Sầm Sơn mới chỉ tập trung phát triển được hạ tầng du lịch khu vực phía Bắc từ chân dãy núi Trường Lệ đến khu nghỉ dưỡng FLC. Phần phía Nam dãy núi Trường Lệ vẫn hạ tầng vẫn chưa thật sự phát triển. Hiện nay, khu vực này mới chỉ có khu du lịch nghỉ dưỡng Vlasta - Sầm Sơn và một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Thời gian tới thành phố Sầm Sơn tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng khu du lịch phía nam dãy Trường Lệ, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư khai thác khu dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch trên địa bàn.
Thứ hai, việc kiểm soát giá cả đối với các dịch vụ du lịch trên địa bàn, ông Thắng nhấn mạnh, những năm gần đây và cả thời gian tới, địa phương này sẽ kiên quyết xử lý đến cùng nếu có phản ánh của du khách về nạn "chặt chém".
"Tôi khẳng định, bất kỳ lúc nào, đường dây nóng của Sầm Sơn cũng tiếp nhận tin từ du khách và có ngày chúng tôi tiếp nhận hàng chục phản ánh. Bất cứ thông tin phản ánh nào cũng được giải quyết trên hệ thống thành phố thông minh", ông Thắng nói.
Đồng thời, ông Thắng dẫn chứng có những trường hợp chủ quán bán một quả dừa chênh 40.000 đồng so với giá niêm yết đã bị cơ quan chức năng xử phạt tới 12 triệu đồng. Chính sự kiên quyết đó đã mang tính răn đe rất lớn, hạn chế tình trạng "chặt chém" trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.
THẮT CHẶT QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XE ĐIỆN 4 BÁNH
Liên quan đến vấn đề quản lý hoạt động xe điện 4 bánh tại thành phố, hiện nay trên địa bàn thành phố Sầm Sơn có 5 đơn vị tham gia kinh doanh xe điện 4 bánh với tổng số 474 xe. Mỗi đơn vị đều được quy định 1 màu áo và ký hiệu khác nhau nên rất dễ nhận biết. Toàn bộ các phương tiện đều được đăng kiểm, đăng ký theo định kỳ. Trong những năm qua, thành phố Sầm Sơn cố gắng giữ không cho tăng thêm số lượng xe điện trên địa bàn.
"Rất may mắn là đến bây giờ vẫn chưa tăng số lượng xe điện. Vì quản lý 474 xe điện là cả một vấn đề. Hình ảnh du lịch Sầm Sơn bị hoen ố, xấu đi đến 70% do xe điện. Những hành vi chở khách vào một nhà hàng nào đấy, khách không xuống ăn lại đuổi khách không chở nữa; Gạ khách mua nước mắm, mua hải sản không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Đậu đỗ bừa bãi, chạy ẩu, lạng lách”, ông Thắng nói.
Để giải quyết triệt để vấn đề trên, năm 2023, thành phố Sầm Sơn tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin cho du khách. Thành phố sẽ có biển cảnh báo các hành vi có thể lừa đảo của xe điện như gạ gẫm đi mua đồ, chèo kéo, hành vi không chuẩn mực của lái xe... đồng thời có số điện thoại đường dây nóng để du khách phản ánh.
"Ngoài việc thành lập các tổ công tác chuyên xử lý qua dường dây nóng. Chúng tôi sẽ yêu cầu lực lượng chức năng tập trung xử lý nghiêm những hành vi vi phạm của xe điện, thậm chí sẽ tạm giữ xe từ 15 ngày đến 1 tháng mới đủ sức răn đe. Đây là việc phải làm, thời gian qua, xe điện đã khiến hình ảnh Sầm Sơn xấu đi trong mắt du khách", Bí thư thành ủy thành phố Sầm Sơn nhấn mạnh.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, lực lượng Công an thành phố Sầm Sơn đã xử phạt 560 trường hợp xe điện 4 bánh dừng đỗ không đúng vị trí, đầu năm 2023 xử phạt 3 trường hợp. Tổng số tiền nộp phạt cho Nhà nước gần 500 triệu đồng.
Theo báo cáo đánh giá của TP. Sầm Sơn, tình trạng chèo kéo, đu bám, tranh giành khách, đậu đỗ sai quy định gây ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Hiện nay, chế tài xử lý đối với loại hình thí điểm mới chỉ áp dụng xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ nên chưa đủ sức răn đe các lái xe vi phạm.
Mặt khác, do xe điện chưa được công nhận là phương tiện giao thông đường bộ nên việc quản lý cũng gặp khó khăn. Về vấn đề này, thành phố Sầm Sơn kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Giao thông vận tải bổ sung chế tài xử lý tạm dừng đối với xe điện thường xuyên vi phạm trật tự an toàn giao thông, người điều khiển xe điện chèo kéo, đu bám, tranh giành khách.
GIAO ĐOÀN THANH NIÊN VẬN HÀNH CÁC HUBWAY
Riêng vấn đề liên quan đến dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương và việc tiếp nhận các Hubway của FLC, Bí thư thành ủy thành phố Sầm Sơn giải thích Dự án này do UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng. Dự án được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), thời hạn 29 năm.
Các Hubway gồm công trình quầy bar, cà phê, đồ ăn nhanh, khu công trình phục vụ nhu cầu của khách tắm... Đến nay, Tập đoàn FLC mới hoàn thành phần hạ tầng kỹ thuật, gồm 14/14 Hubway, 14/17 công trình tắm tráng trong nhà, 12/18 công trình tắm tráng ngoài trời và một khu vui chơi giải trí. Giá trị đầu tư xây dựng ước đạt 100 tỷ đồng.
Đến ngày 06/12/2022, FLC đã có văn bản báo cáo về Dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương. Theo đó, chi phí đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án khoảng 100 tỷ đồng; về kinh doanh của Nhà đầu tư từ năm 2016 đến tháng 6/2022, lợi nhuận sau thuế âm 1,54 tỷ đồng. Phía FLC đề nghị bàn giao hồ sơ hiện có, các hạng mục công trình đã đầu tư xây dựng cho UBND thành phố Sầm Sơn quản lý, khai thác, sau khi chấm dứt Hợp đồng BOT mà cơ quan Nhà nước không phải hoàn lại kinh phí cho Tập đoàn FLC đã đầu tư xây dựng.
Hiện nay công tác bàn giao tài sản của FLC với địa phương chưa xong. Sau khi bàn giao, thành phố Sầm Sơn sẽ làm các thủ tục chuyển thành tài sản toàn dân, do Nhà nước quản lý. Để công tác quản lý được tốt hơn, sau này thành phố Sầm Sơn sẽ xin UBND tỉnh cho tổ chức đấu giá rộng rãi lựa chọn đơn vị quản lý vận hành các Hubway.
"Trước mắt, trong năm 2023, thành phố Sầm Sơn sẽ đứng ra tiếp quản tạm thời, chỉnh trang lại các hạng mục ở Hubway và giao cho Trung tâm văn hóa và 11 chi đoàn thanh niên của các phường xã trực tiếp quản lý. Quan điểm của Sầm Sơn sẽ không giao cho các hộ kinh doanh trên địa bàn", ông Lương Tất Thắng cho biết thêm.
Ngoài ra, các vấn đề khác như chú trọng bảo đảm an ninh - trật tự, an toàn giao thông, chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, tăng cường công tác phòng, chống dịch, phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn tắm biển... cũng được thành phố Sầm Sơn tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp.
Thành phố Sầm Sơn cũng đang tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án quản lý dịch vụ theo hướng phù hợp thực tế, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, quy định cụ thể những việc được làm, những việc không được làm; trách nhiệm, nghĩa vụ của đối tượng quản lý; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Trong đó chú trọng đến phương án sắp xếp và quản lý dịch vụ thương mại trên các tuyến đường; phương án quản lý xe điện; phương án quản lý xích lô; phương án sắp xếp bến thuyền, phương án quản lý giá, an toàn thực phẩm.
Năm nay, Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn dự kiến tổ chức tối 22/4, có bắn pháo hoa tầm thấp và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sau đó như: Giải đua xe đạp, giải chạy, lễ hội bánh chưng bánh giày, lễ hội cầu ngư bơi trải, giải quần vợt. Chính quyền thành phố đặt mục tiêu đón 7,2 triệu lượt khách trong năm 2023.