December 11, 2008 | 09:22 GMT+7

Thấy gì từ năng lực cạnh tranh các tỉnh năm nay?

Anh Quân

Năng lực cạnh tranh của nhiều tỉnh, thành phố chậm được cải thiện trong năm vừa qua

Một góc sông Hàn chảy qua Đà Nẵng - địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất năm 2008.
Một góc sông Hàn chảy qua Đà Nẵng - địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất năm 2008.
Đà Nẵng đã “soán ngôi” Bình Dương để lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2008. Trong khi đó, Điện Biên lùi ba bậc, đứng cuối bảng năm nay.

So với năm ngoái, Long An vượt 15 bậc lên xếp loại Tốt, trong khi Bình Định “rớt” khỏi Top 10. Hai đầu tàu kinh tế của cả nước thì năm nay, Tp.HCM “thoái” 3 nấc, trong khi Hà Nội cũng “ngược dòng” 4 vị trí.

Nhìn trong “bảng tổng sắp”, tuy đa số vị trí mức độ thay đổi ít, nhưng về điểm số thì đánh giá của năm nay có kém hơn năm ngoái. 7.820 doanh nghiệp dân doanh tham gia vào cuộc điều tra năm nay (năm ngoái chỉ có 6.700 doanh nghiệp) "chấm điểm" 10 tiêu chí thì có khá nhiều là giảm điểm so với năm trước đó.

Những đánh giá kém lạc quan

Điều dễ nhận thấy là điểm số đạt được của 64 tỉnh, thành phố tham gia điều tra của năm nay thấp hơn so với năm ngoái.

Nếu tính trung bình điểm của 10 tỉnh, thành phố đứng đầu thì năm nay chỉ đạt 65,64 điểm, trong khi con số của năm ngoái là 68,46 điểm.

Do điểm số sụt giảm, có thể thấy một khác biệt toàn diện nữa trong đánh giá của năm 2007 và 2008 là sự dịch chuyển trong các nhóm tỉnh xếp hạng. Số tỉnh nằm trong nhóm Rất tốt và Tốt ít hơn năm ngoái (tương ứng là 3 so với 4 và 10 so với 13).

Ngược lại ở phía cuối bảng, xếp hạng Thấp năm nay tăng thêm 2 tỉnh so với năm 2007.

Sự sụt giảm về điểm số tập trung vào hai chỉ số thành phần là Chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân và Đào tạo lao động. Do đây là hai chỉ số có trọng số cao nên tác động của chúng lên kết quả cuối cùng khá lớn.

Theo Nhóm nghiên cứu, đáng chú ý là kết quả ghi nhận cho thấy sự không hài lòng có chiều hướng gia tăng đối với hiệu quả đóng góp của cán bộ địa phương và trung ương về phát triển kinh tế. Trong một số trường hợp, cảm nhận không tích cực của doanh nghiệp là do chất lượng các dịch vụ công đang giảm sút.

Cũng có một phần nguyên nhân doanh nghiệp quá kỳ vọng vào những tiến bộ từ cải cách pháp luật và thể chế ở Việt Nam và sự cải thiện liên tục trong công tác quản lý điều hành của chính quyền có thể làm gia tăng sự mong đợi của doanh nghiệp.

Vẫn có nhân tố mới

Trong đánh giá của Nhóm nghiên cứu, Đà Nẵng, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Đồng Tháp, An Giang vẫn nằm trong nhóm các tỉnh có công tác điều hành tốt nhất cả nước.

Các tỉnh "cải thiện" nhiều trong xếp hạng chỉ số CPI của năm nay, ở ngay Top đầu có Vĩnh Phúc từ vị trí số 7 lên vị trí số 3, Long An tăng 15 bậc lên vị trí số 6. Tiếp ngay sau có Bến Tre tăng 7 bậc lên vị trí số 7.

Trong các tỉnh xếp hạng khá, Bình Thuận tăng 8 bậc, Cà Mau cải thiện 11 vị trí. Cũng “bám đuổi” không xa, Hà Nam năm nay có cú nhảy ngoạn mục vượt 20 vị trí lên xếp thứ 26.

Nhóm nghiên cứu kết luận: tại đa số những tỉnh có bước nhảy vọt về vị trí, lãnh đạo tỉnh đã công khai các cam kết pháp lý để cải thiện điểm số PCI, thông qua việc chỉ rõ các điểm yếu và phân công trách nhiệm cho từng sở, ngành, đưa ra các mục tiêu có thể đo lường được.

Các nghiên cứu cũng ghi nhận cơ chế một cửa đã góp phần cải thiện đáng kể thủ tục hành chính, giảm thời gian doanh nghiệp phải chờ để hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục gia nhập thị trường...

Đáng chú ý, bên cạnh khả năng tiếp cận các văn bản pháp lý đã được cải thiện, tính minh bạch, công khai trong thu thuế cũng tốt hơn, thì chỉ số Ưu đãi đối với doanh nghiệp Nhà nước của năm nay thấp chưa từng có.

Chỉ có 39% số doanh nghiệp tư nhân cho rằng có những ưu đãi rõ rệt đối với doanh nghiệp Nhà nước, trong khi đa phần cho rằng các cấp lãnh đạo đã quan tâm hơn đến doanh nghiệp tư nhân.

Còn những “điểm đen”

Trong Top cuối, với sự có mặt của Bắc Kạn, Thái Nguyên, Nghệ An, Phú Yên, Phú thọ..., các chỉ số về Chính sách phát triển kinh tế tư nhân, Đào tạo lao động tỏ ra kém hơn cả, đặc biệt là khi xét đến từng chỉ tiêu cụ thể.

Từ những đánh giá thực tế, Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để giải quyết các vấn đề liên quan đến giấy tờ và thủ tục hành chính tiếp tục tăng lên.

Hiện tại, có tới 23% số doanh nghiệp phải bỏ ra trên 10% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính. Số trả lời có sự cải thiện trong các rào cản về thủ tục là không nhiều.

Các hướng dẫn thủ tục cụ thể về bán hóa đơn giá trị gia tăng, gia hạn chứng chỉ về môi trường, vệ sinh thực phẩm, an toàn cháy nổ... đứng đầu danh sách những ưu tiên cần giải quyết của doanh nghiệp dành cho các nhà hoạch định chính sách.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra một tồn tại khá phổ biến là mỗi tỉnh lại có cách hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính khác nhau. Cho dù đã có nhiều chương trình cải cách nhưng vẫn chưa thấy chuyển biến đáng kể.

Một điểm nữa cũng được Nhóm nghiên cứu lưu ý là chí phí không chính thức vẫn không cho thấy sự cài thiện trong suốt năm vừa qua, bất chấp nhiều nỗ lực để thay đổi tình hình.

Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh các tỉnh, thành phố năm 2007 - 2008

Vị trí 2008 Vị trí 2007 Tỉnh, thành phố Điểm Xếp loại
1 2 Đà Nẵng 72,18 Rất tốt
2 1 Bình Dương 71,76 Rất tốt
3 7 Vĩnh Phúc 69,37 Rất tốt
4 3 Vĩnh Long 66,97 Tốt
5 9 Đồng Tháp 66,64 Tốt
6 21 Long An 63,99 Tốt
7 14 Bến Tre 62,42 Tốt
8 5 Lào Cai 61,22 Tốt
9 6 An Giang 61,12 Tốt
10 15 TT-Huế 60,71 Tốt
11 4 Bình Định 60,67 Tốt
12 8 Bà Rịa - Vũng Tàu 60,51 Tốt
13 10 Tp.HCM 60,15 Tốt
14 13 Quảng Nam 59,97 Khá
15 16 Đồng Nai 59,62 Khá
16 20 Bắc Ninh 59,57 Khá
17 25 Bình Thuận 58,75 Khá
18 29 Cà Mau 58,64 Khá
19 18 Yên Bái 57,79 Khá
20 26 Hưng Yên 57,53 Khá
21 12 Tiền Giang 57,27 Khá
22 17 Cần Thơ 56,32 Khá
23 24 Ninh Bình 56,14 Khá
24 19 Hậu Giang 55,36 Khá
25 28 Trà Vinh 55,17 Khá
26 46 Hà Nam 55,13 Khá
27 22 Quảng Ninh 54,70 Khá
28 31 Thái Bình 54,27 Khá
29 11 Sóc Trăng 54,24 Khá
30 36 Hải Dương 54,07 Khá
31 27 Hà Nội 53,74 Trung Bình
32 49 Bình Phước 53,71 Trung Bình
33 48 Đắc Lắk 53,33 Trung Bình
34 32 Phú Thọ 52,49 Trung Bình
35 39 Kiên Giang 52,25 Trung Bình
36 40 Khánh Hòa 52,12 Trung Bình
37 42 Tuyên Quang 52,00 Trung Bình
38 30 Gia Lai 51,82 Trung Bình
39 23 Phú Yên 51,24 Trung Bình
40 47 Quảng Trị 50,72 Trung Bình
41 45 Quảng Ngãi 50,05 Trung Bình
42 44 Nam Định 49,52 Trung Bình
43 53 Nghệ An 48,46 Trung Bình
44 51 Hòa Bình 48,35 Trung Bình
45 34 Hà Giang 48,18 TrunTrung
46 52 Lâm Đồng 48,10 Trung Bình
47 55 Ninh Thuận 47,82 Tương đối thấp
48 37 Hải Phòng 47,68 Tương đối thấp
49 57 Hà Tĩnh 47,48 Tương đối thấp
50 33 Bắc Giang 47,44 Tương đối thấp
51 50 Sơn La 46,60 Tương đối thấp
52 38 Thanh Hóa 46,22 Tương đối thấp
53 43 Thái Nguyên 46,03 Tương đối thấp
54 59 Lạng Sơn 45,63 Tương đối thấp
55 41 Hà Tây (cũ) 45,09 Tương đối thấp
56 35 Tây Ninh 45,09 Tương đối thấp
57 54 Quảng Bình 44,17 Tương đối thấp
58 63 Lai Châu 43,95 Tương đối thấp
59 58 Kon Tum 41,94 Thấp
60 62 Cao Bằng 41,02 Thấp
61 64 Đắk Nông 41,01 Thấp
62 60 Bạc Liêu 40,92 Thấp
63 56 Bắc Cạn 39,78 Thấp
64 61 Điện Biên 36,39 Thấp

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate