Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 3 đã tích cực hơn so với tháng trước khi ghi nhận 8 đợt phát hành mới với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công trong tháng ước đạt gần 17,2 nghìn tỷ đồng – gấp hơn 7 lần so với tháng trước, và tăng 7,3% so với cùng kỳ, theo thống kê từ MBS và HNX.
Tuy nhiên, 100% các đợt phát hành đều đến từ nhóm Ngân hàng chiếm 68% tổng giá trị phát hành và Chứng khoán, trong khi nhóm Bất động sản vẫn chưa ghi nhận đợt phát hành nào trong 3 tháng đầu năm nay. Các đợt phát hành đáng chú ý trong tháng 3 bao gồm: HDB (5 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 84 – 96 tháng, lãi suất 7,38% - 7,58%), LPB (3 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 84 -120 tháng, lãi suất 7,58% - 7,88%), MBB (2,2 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 72 tháng, lãi suất 6,18%).
Việc các Ngân hàng Thương mại đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu được cho là để tăng quy mô vốn nhằm thực hiện đẩy mạnh hoạt động cho vay trong bối cảnh nhu cầu về vốn đang trên đà hồi phục nhanh. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết Q1, tăng trưởng tín dụng đạt 3,9% - gấp 2,5 lần so với mức 1,42% của cùng kỳ năm trước.
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 25,1 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân gia quyền trong 3 tháng đầu năm ước khoảng 7,2%, bằng mức trung bình của năm 2024. Đáng chú ý trong quý 1, hoạt động phát hành ra công chúng tăng trưởng mạnh khi ghi nhận 11 đợt phát hành mới với trị giá ước đạt khoảng hơn 23.1 nghìn tỷ đồng – tăng 116% so với cùng kỳ.
Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với hơn 19.3 nghìn tỷ tăng 377% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 77%, lãi suất bình quân gia quyền là 6,9%/năm, kỳ hạn bình quân 6,9 năm. Các Ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay gồm có: HDB (5 nghìn tỷ đồng), Vietinbank (4 nghìn tỷ đồng), LPB (3 nghìn tỷ đồng).
Tổng giá trị phát hành của nhóm Chứng khoán đạt 5,8 nghìn tỷ đồng – gấp hơn 11 lần so với cùng kỳ chiếm tỷ trọng 23%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu nhóm Chứng khoán ở mức 8,3%/năm, kỳ hạn bình quân là 1,9 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Công ty Chứng khoán VPS (5 nghìn tỷ đồng), Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (500 tỷ đồng), và Công ty CP Chứng khoán DNSE (300 tỷ đồng).
Trong đó, với VPS, công ty dự kiến dùng để bổ sung vốn thực hiện cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán trong năm 2025. Trái phiếu VPS phát hành thuộc diện “3 không”, không có bảo đảm, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của VPS.
Đợt phát hành trái phiếu với quy mô 5 ngàn tỷ đồng sắp tới của VPS là một phần trong kế hoạch huy động vốn thông qua trái phiếu trong năm 2025 - 2026 đã được ĐHĐCĐ bất thường thông qua hồi tháng 1. Theo đó, Công ty còn muốn chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ trong năm 2025, kỳ hạn 2 năm nhằm cơ cấu lại các khoản nợ với giá trị tối đa 7 tỷ đồng.
Tương tự, lô trái phiếu của DNSE cũng không chuyển đổi, kỳ hạn 24 tháng, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm. Đây là lần đầu tiên DNSE phát hành trái phiếu ra công chúng, sau nhiều đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trước đây. Mục đích của đợt phát hành nhằm bổ sung vốn phục vụ cho các dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán và giao dịch ký quỹ cũng như tăng cường vốn cho hoạt động tự doanh chứng khoán, đầu tư giấy tờ có giá.
VDSC phát hành trái phiếu 500 tỷ đồng với mục đích để cơ cấu lại nợ, bao gồm thanh toán tiền gốc trái phiếu đến hạn, mua lại trước hạn, thanh toán một phần hoặc toàn bộ nợ vay ngân hàng. Nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi khi chưa đến hạn thanh toán gốc trái phiếu sẽ được Công ty gửi tiết kiệm hoặc duy trì tại tài khoản nhận tiền mua trái phiếu.
Thị trường giao dịch sôi động là nguyên nhân chính để các công ty chứng khoán đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong giai đoạn này. Giá trị giao dịch trên toàn bộ 3 sàn trong tháng 3 vừa qua đạt 22.732 tỷ đồng trong tháng 3/2025. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 19.858 tỷ đồng, tăng 22,5% theo tháng.
Cá nhân và khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh giao dịch trong tháng 3/2025, với giá trị giao dịch bình quân phiên của cá nhân và khối ngoại cùng tăng gần 34% nhưng vị thế giao dịch đổi ngược nhau. Cụ thế, nước ngoài duy trì bán ròng tháng thứ 6 liên tiếp, với giá trị bán ròng lũy kế trong quý 1 là gần 24,3 nghìn tỷ đồng tương đương 33% quy mô bán ròng của cả năm 2024. Bên mua ròng đối ứng chủ yếu là cá nhân, với giá trị mua ròng lũy kế trong quý 1 đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, trong khi tổ chức trong nước "cân" phần còn lại hơn 6 nghìn tỷ.
Theo thống kê, tính đến cuối quý 1/2025, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán ước tính vào khoảng 280.000 tỷ đồng (~11 tỷ USD), tăng 35.000 tỷ so với cuối năm 2024 trước đó và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Việc tăng vốn sau hoạt động phát hành cổ phiếu, trái phiếu đã đẩy mạnh năng lực cho vay của các công ty chứng khoán, đặc biệt chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi áp dụng Non Pre-funding.