Theo dữ liệu từ Bloomberg, tính tới ngày 24/8, thế giới đã tiêm được tổng cộng hơn 5,02 tỷ liều vaccine Covid-19 tại 183 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, tốc độ tiêm bình quân là gần 3,6 triệu liều/ngày.
Con số 5,02 tỷ liều vaccine đủ để tiêm cho 32,7% dân số toàn cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, số vaccine này tập trung chủ yếu tại các quốc gia phát triển. Các quốc gia và khu vực có thu nhập cao nhất đang tiêm nhanh gấp hơn 20 lần so với những nơi thu nhập thấp nhất.
Kể từ khi chiến dịch vaccine toàn cầu được triển khai, sự mất công bằng trong phân bổ vaccine đã diễn ra. Trước tháng 3 năm nay, chỉ có một số ít nước châu Phi nhận được vaccine Covid-19. Trong khi đó, tỷ lệ vaccine đã tiêm tại Mỹ là 109,6 liều trên mỗi 100 dân.
Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, thế giới cần tiêm được 70-85% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, với tốc độ hiện tại, mục tiêu đó vẫn còn khá xa và phải mất ít nhất 6 tháng mới có thể tiêm được 75% dân số.
Tại Mỹ, đến nay có khoảng 364 triệu liều được tiêm với tốc độ tiêm bình quân ghi nhận tuần trước là hơn 860.000 liều/ngày. Với tốc độ này, Mỹ cần 4 tháng nữa để đạt tỷ lệ 75% dân số được tiêm vaccine ít nhất một liều vaccine.
Trong khi đó, tại Trung Quốc địa lục, tốc độ tiêm bình quân là 12,36 triệu liều/ngày. Với tốc độ này, quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ cần 2 tuần nữa là đạt tỷ lệ phủ vaccine trên.
Theo dữ liệu của Bloomberg, tại Việt Nam, với tốc độ tiêm trung bình hiện tại - khoảng 300.000 liều/ngày, cần tới 14 tháng nữa mới đạt được miễn dịch cộng đồng.
Israel là quốc gia đầu tiên cho thấy vaccine đã giúp bẻ cong đồ thị số ca nhiễm Covid-19. Quốc gia này nằm trong top dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm chủng khi hơn 84% người trên 70 tuổi được tiêm vaccine tính tới đầu tháng 2. Số ca nhiễm Covid-19 tại Israel giảm nhanh chóng và mô hình tiêm vaccine cũng như phục hồi tương tự đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, thành quả này đang bị đe dọa bởi các biến thể mới, trong đó có biến thể Delta với khả năng lây nhiễm cao hơn và mạnh hơn, dẫn tới cuộc chiến sống còn giữa vaccine và virus. Theo các chuyên gia, những người chưa được tiêm vaccine có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Các quan chức y tế Mỹ thậm chí gọi đây là “đại dịch của những người chưa tiêm vaccine”.
Theo dữ liệu mới nhất, kể cả với những người đã tiêm vaccine, biến thể Delta vẫn có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, nhưng tránh được việc phải nhập viện và tử vong. Dù vậy, họ vẫn có khả năng lây virus cho người khác.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thế giới đã ghi nhận gần 214 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 4,4 ca tử vong. Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về cả số ca nhiễm và tử vong, lần lượt là 38,9 triệu ca và hơn 648.000 ca.