Giá vé máy bay bắt đầu tăng mạnh từ năm ngoái do chi phí nhiên liệu và nhân công cao hơn, cũng như nhu cầu mạnh mẽ từ người tiêu dùng phương Tây đối với các kỳ nghỉ. Các nhà phân tích cho biết khi nhu cầu về các chuyến bay cao và nguồn cung ít ỏi, các hãng hàng không đã tìm cách chuyển toàn bộ chi phí nhiên liệu tăng thêm sang khách hàng trong vòng ít nhất 6 tháng.
Thời điểm này, nhiều gia đình châu Âu đã lên kế hoạch đi nghỉ hè, đặt vé máy bay xong xuôi. Theo tờ El Economista số ra mới đây, 3 hãng hàng không Lufthansa, EasyJet và Ryanair có lượng đặt vé mùa hè năm nay tăng mạnh, cho thấy người tiêu dùng vẫn ưu tiên chi tiêu cho du lịch, bất chấp lạm phát cao.
Air France-KLM cũng cho biết đã bán được rất nhiều vé cho các chuyến bay trong hè, sau khi doanh thu quý đầu tiên tăng tới 42% so với cùng kỳ, lên hơn 6 tỷ Euro. Hãng hàng không Pháp - Hà Lan dự báo công suất lấp đầy máy bay trong cả năm nay sẽ ở mức 95% so với trước đại dịch.
Doanh thu cùng lợi nhuận đang tăng mạnh, tuy nhiên các hãng hàng không vẫn đang gánh những khoản lỗ lớn, do những vấn đề chồng chất suốt từ đại dịch. Theo tờ Le Figaro của Pháp, hãng Air France-KLM buộc phải bán mảng kinh doanh phụ tùng dưới dạng trái phiếu trọn đời lãi suất 6%/năm cho một quỹ đầu tư của Mỹ, để có thêm 500 triệu USD. Bài báo viết: "Số tiền thu được sẽ giúp hãng hàng không làm sạch bảng cân đối kế toán, vay vốn với lãi suất tốt hơn và có thêm vốn củng cố các đường bay nội địa châu Âu".
Dù thắt chặt cho tiêu, nhưng người dân châu Âu nhất định phải đi nghỉ vài tuần vào mùa hè, điều này tạo động lực cho các hãng hàng không thoát dần khỏi khó khăn. Giá vé máy bay rất cao, nhưng các chuyến bay hè này sẽ kín chỗ. Trả lời phỏng vấn tờ Bild am Sonntag của Đức, Giám đốc điều hành công ty TUI Group, ông Sebastian Ebel cho biết, giá nhiên liệu cao cùng với nhu cầu vượt xa nguồn cung đã khiến giá vé máy bay trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt là đối với các chuyến bay đường dài.
"Vào năm 2023, sẽ không có "vé giá rẻ vào phút cuối" như trước đây. Ngược lại, ngay trước khi khởi hành, giá vé sẽ có xu hướng cao hơn thay vì thấp hơn, bởi vì các chủ khách sạn và hãng hàng không biết rằng vẫn còn rất nhiều đặt phòng trong thời gian ngắn", ông Ebel nhận định. Ông nói thêm rằng vé máy bay giá rẻ dưới 50 Euro sẽ không còn tồn tại.
Theo công ty dữ liệu hàng không Cirium, các hãng hàng không đã lên lịch gần 51.000 chuyến bay từ Mỹ đến châu Âu trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, giữa bối cảnh số lượng đặt chỗ trên các chuyến bay trong cùng kỳ dự kiến đạt mức cao nhất kể từ năm 2018. Bất chấp sự gia tăng công suất các chuyến bay qua hai bờ Đại Tây Dương, giá vé máy bay vẫn tăng mạnh khi các hãng hàng không tính toán nhu cầu của khách du lịch đối với các chuyến đi nước ngoài.
Theo Hopper, ứng dụng cung cấp dịch vụ tìm kiếm và đặt vé máy bay, các chuyến bay khứ hồi từ Mỹ đến châu Âu sẽ có giá trung bình là 1.032 USD/chuyến trong năm nay, tăng 35% so với năm ngoái và 24% so với năm 2019. Giám đốc điều hành các hãng hàng không lâu năm của châu Âu như Delta, những hãng hàng không mới như JetBlue và cả các hãng hàng không giá rẻ mới nổi như Norse Atlantic Airways và Play đều đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của du khách, với hy vọng tránh được sự hỗn loạn của mùa hè năm ngoái.
Theo hãng tin Bloomberg, bên cạnh việc hành khách có tâm lý sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho vé máy bay sau thời gian dài bị hạn chế đi lại, còn nhiều nguyên nhân khiến giá vé máy bay toàn cầu vẫn rất đắt đỏ. Trong giai đoạn dịch Covid-19, nhiều hãng hàng không trên toàn thế giới phải cắt giảm hàng chục triệu việc làm.
Khi hoạt động đi lại ngành hàng không đang phục hồi, các hãng bay lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lại nhân sự. Thực trạng này buộc các hãng bay phải đưa ra các mức lương hấp dẫn hơn để thu hút và giữ chân nhân viên. Điều này đồng nghĩa, giá vé máy bay cao hơn khi các hãng hàng không tìm cách bù đắp các khoản chi phí bổ sung.
Bên cạnh đó, giá nhiên liệu được đánh giá là đã giảm trong năm qua nhưng giá dầu thô vẫn cao hơn 50% so với tháng 1/2019. Đây cũng là vấn đề không nhỏ với các hãng bay bởi nhiên liệu là chi phí lớn nhất. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, ngành hàng không sẽ phải chi 2.000 tỷ USD để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, các hãng bay bắt buộc phải tăng giá vé, khiến việc đi lại bằng đường hàng không càng đắt hơn.
Đó là chưa kể, Hiệp hội Các hãng hàng không Châu Á - Thái Bình Dương ước tính cần ít nhất khoảng 1 năm để Trung Quốc quay trở lại mức đi lại hàng không quốc tế trước đại dịch. Việc hoạt động đi lại hàng không quốc tế chậm khôi phục tại Trung Quốc đã khiến các hãng bay chần chừ trong việc khôi phục công suất. Kết quả, số ghế trên các tuyến bay quốc tế ít hơn và đẩy giá vé máy bay tăng cao. “Hiện chỉ có rất ít chuyến bay và những chuyến đã khôi phục thì giá cao ngất ngưởng”, ông Clint Henderson, Giám đốc điều hành trang web hàng không The Points Guy nhận định.
Hayley Berg, nhà kinh tế học hàng đầu của Hopper, cho biết: “Nếu bạn đi du lịch trong những tháng hè cao điểm đó, bạn cần phải đặt trước”. Bà khuyến nghị, để tránh mức giá vé cao nhất, hãy tránh xa các ngày lễ quốc gia và bay vào giữa tuần.
Một số giám đốc điều hành hãng hàng không gần đây đã lưu ý rằng, khách du lịch đang quay trở lại với các mô hình đặt vé truyền thống hơn, điều này làm tăng giá vé vào những ngày cao điểm. Mặc dù các hãng hàng không thường giảm công suất bay vào các khoảng thời gian thấp điểm trong tuần hoặc trong năm, nhưng hành khách vẫn có cơ hội tìm được một mức giá hợp lý cho chuyến bay của họ. Bà Berg cũng khuyên du khách nên cởi mở hơn với các lộ trình bay nối chuyến (transit) và không nên chỉ chọn các chuyến bay thẳng nếu muốn có giá vé rẻ.