Với giá trị thị trường dự kiến đạt 5,1 tỷ USD vào năm 2028, thể thao điện tử hiện là lĩnh vực thu hút hàng triệu người chơi và người xem trên toàn thế giới. Theo đó, khu vực ASEAN sở hữu khoảng 310 triệu người chơi, chính thức trở thành thị trường game phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, Tech Collective đưa tin.
Một số tựa game như Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2 và Counter-Strike: Global Offensive ngày càng trở nên phổ biến và thu hút khán giả, góp phần vào công cuộc mở rộng quy mô ngành. Nhiều sự kiện lớn như The International được tổ chức tại Singapore và Free Fire World Series càng làm nổi bật ngành công nghiệp game sôi động của khu vực. Đặc biệt, bộ môn thi đấu eSport tại Đại hội Thể thao Châu Á 2023 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) luôn trong tình trạng cháy vé, phản ánh bối cảnh thị trường bùng nổ.
TIỀM NĂNG THỊ TRƯỜNG
Tiềm năng thị trường thể thao điện tử khu vực rất lớn, được thúc đẩy bởi lực lượng dân số trẻ và giới điệu mộ am hiểu công nghệ. Yếu tố quan trọng phải kể tới mức độ phổ biến ngày càng rộng rãi của một số nền tảng phát trực tuyến (streaming) như YouTube và Twitch. Những nền tảng đã cách mạng hóa nhu cầu thưởng thức nội dung trò chơi, mang đến cho người xem trải nghiệm tương tác và phong phú. Ví dụ, Twitch cho phép người dùng theo dõi tài khoản của game thủ yêu thích và sự kiện thể thao điện tử luôn cập nhật theo thời gian thực.
Nhóm người dùng tiềm năng thu hút nguồn đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng thể thao điện tử khu vực, điển hình như dự án eSports City tại Kuala Lumpur (Malaysia), được mệnh danh là trung tâm eSports lớn nhất Đông Nam Á. Khu phức hợp hiện đại rộng hơn 6000m² với trị giá gần 1 triệu USD, bao gồm sân vận động 1000 chỗ ngồi, studio màn xanh, phòng phát trực tiếp, phòng thu âm và phòng chơi game hiệu suất cao. Dự án còn được trang bị phòng tổ chức sự kiện và quán cà phê mang phong cách dựa trên trò chơi đua xe với rất nhiều máy chơi game. eSports City đặt mục tiêu tạo ra không gian giải trí sáng tạo nhằm tổ chức các sự kiện không chỉ tại địa phương mà còn vươn tầm khu vực và quốc tế.
ĐỘT PHÁ CÔNG NGHỆ GÓP PHẦN NÂNG CAO VỊ THẾ NGÀNH
Những tiến bộ công nghệ cũng thúc đẩy đáng kể sự phát triển ngành, nâng cao trải nghiệm của cả người chơi lẫn khán giả. Thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trở thành xu hướng dẫn đầu, cung cấp không gian chơi game sống động. VR cho phép người chơi trải nghiệm trong môi trường mô phỏng hoàn chỉnh, mang lại cảm giác hiện diện và tương tác cao hơn.
Mặt khác, AR tiến hành “phủ” các yếu tố kỹ thuật số lên thế giới thực, nâng cao trải nghiệm mà không tách biệt người chơi khỏi môi trường xung quanh. Hơn nữa, một số đổi mới trong lĩnh vực trò chơi trên thiết bị di động đã giúp nhiều nhà sản xuất game trở nên dễ tiếp cận hơn, bởi lẽ điện thoại thông minh và máy tính bảng cho phép chơi game chất lượng cao kể cả khi đang di chuyển. Đột phá công nghệ góp phần mở rộng phạm vi tiếp cận của ngành thể thao điện tử, thu hút lượng khán giả lớn và thúc đẩy cộng đồng game thủ năng động, hòa nhập.
THÁCH THỨC VÀ TRIỂN VỌNG
Ngành công nghiệp game tại Đông Nam Á phải đối mặt với một số thách thức cản trở tiềm năng phát triển. Các vấn đề xoay quanh quy định là mối quan tâm chính khi nhu cầu về chính sách và hỗ trợ ở các quốc gia khác nhau tạo ra môi trường không nhất quán và không chắc chắn cho hoạt động thể thao điện tử. Chính sách và quy định khác biệt kéo theo vô vàn khó khăn trong việc tổ chức các giải đấu xuyên biên giới cũng như xây dựng tiêu chuẩn cạnh tranh thống nhất.
Một thách thức đáng kể khác là hạn chế tài chính. Bất chấp sự phổ biến ngày càng tăng của trò chơi điện tử, việc đảm bảo đủ kinh phí và tài trợ cho sự kiện và người chơi vẫn là một trở ngại lớn. Nguồn tài chính eo hẹp có thể hạn chế khả năng tiếp cận cơ sở đào tạo chất lượng cao, thiết bị tiên tiến và cơ hội tham gia giải đấu quốc tế, những yếu tố rất quan trọng trong công cuộc phát triển nhân tài của ngành.
Nhìn vào mặt tích cực, tương lai thể thao điện tử Đông Nam Á vẫn vô cùng tươi sáng nhờ hệ thống ngày càng chuyên nghiệp hóa, hợp tác khu vực và tiềm năng thống trị toàn cầu. Mức độ chuyên nghiệp hóa tăng dần đảm bảo người chơi được đào tạo, nguồn lực ngành tốt hơn và tuổi thọ nghề nghiệp cao hơn, biến “game thủ” có thể trở thành một công việc kiếm ra tiền.
Hợp tác khu vực đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực phát triển ngành. Các quốc gia Đông Nam Á có thể chia sẻ tài nguyên, kiến thức chuyên môn và cơ sở hạ tầng, tạo ra môi trường thể thao điện tử gắn kết và mạnh mẽ hơn. Khi khu vực tiếp tục chuyên nghiệp hóa và thu hút nhiều tài trợ và nhà đầu tư, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các trò chơi sẽ đạt đến tầm cao mới.
Với sự công nhận ngày càng tăng từ bạn bè quốc tế, Đông Nam Á đang trên con đường trở thành thế lực đáng gờm tại đấu trường thể thao điện tử toàn cầu, đồng thời củng cố nền kinh tế địa phương thông qua sự phát triển của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực.